Gần 30.000 hộ khó khăn được tiếp cận nguồn vốn chính sách

15:30' - 12/01/2024
BNEWS Ngày 12/1, bà Trần Đức Xuân Hương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, đến 31/12/2023, doanh số cho vay của chi nhánh đạt 1.639 tỷ đồng, bằng 126% so với năm 2022.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 30.000 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn, góp phần giúp hơn 6.160 lao động có việc làm; hơn 2.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hơn 17.000 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 420 hộ dân được vay vốn để xây mới và sửa chữa nhà ở.

 

Đồng thời, 830 hộ dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề và làm nhà ở; 1.500 hộ dân sống ở các vùng khó khăn được tiếp cận vay vốn tín dụng chính sách; 25 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Theo bà Trần Đức Xuân Hương, đến 31/12/2023, tổng dư nợ chi nhánh đạt 4.768 tỷ đồng, tăng 886 tỷ đồng so với năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 22,8%. Đây là năm có số tăng trưởng tuyệt đối và tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 21 năm qua, hoàn thành 100% kế hoạch được giao với 1.842 tổ tiết kiệm và vay vốn và hơn 76.000 hộ dân còn dư nợ. Chất lượng tín dụng chính sách toàn tỉnh xếp loại tốt, 100% cấp huyện, cấp xã xếp loại tốt.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại Quảng Trị đã giảm 1,43%; đến nay đã có 69/101 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 68,3%.

Qua thực tiễn triển khai, nhiều đối tượng chính sách nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh mà vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, để nguồn vốn tín dụng chính sách phát huy hơn nữa vai trò, ý nghĩa, bà Hương đề nghị Chính phủ xem xét cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được thụ hưởng chương trình tín dụng ưu đãi đối với chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 và Quyết định số 17/2023/QĐ-TTg ngày 5/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ, kéo dài thời gian được thụ hưởng 3 năm kể từ ngày được công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhằm tạo điều kiện cho người dân có vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.

Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh nâng mức cho vay chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 30 triệu đồng/công trình cho phù hợp với tình hình nhu cầu thực tế tại địa phương; đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét, trình Chính phủ bổ sung thêm chương trình tín dụng đối với hộ gia đình có mức sống trung bình được vay vốn để có thêm nguồn lực mở rộng đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục