BNEWS
Tại các thành phố, thị xã, nhiều cơ sở giết mổ nằm rải rác trong khu dân cư hoặc chợ cóc, chợ tạm, chính quyền một số nơi chưa tổ chức quản lý được.
Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cả nước có 107 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung và 4.446 cơ sở nhỏ lẻ. Hiện, tất cả các sơ sở giết mổ tập trung đã được kiểm soát thú y, tuy nhiên số cơ sở nhỏ lẻ được kiểm soát chỉ có 11,2%.
Một số cơ sở giết mổ tập trung như của các Công ty CP, Tập đoàn Dabaco, Kyo-uniek… có thể đáp ứng điều kiện để xuất khẩu thịt gia cầm sang một số nước. Các công ty này chủ yếu giết mổ gia cầm từ các trang trại thuộc công ty hoặc từ các trang trại gia cầm tập trung để phục vụ tiêu dùng trong nước tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn.
Theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chủ yếu tập trung ở phía Bắc. Tại khu vực nông thôn, do tập quán chăn nuôi gia cần quy mô nhỏ lẻ, tự phát và thói quen tiêu dùng thịt gia cầm của người dân nên đã hình thành các điểm, hộ giết mổ gia cầm thủ công, nhỏ lẻ nằm rải rác trong khu dân cư hoặc chợ có bán gia cầm. Gia cầm đưa vào giết mổ không rõ nguồn gốc, chưa tuân thủ quy trình giết mổ, không có kiểm soát của thú y nên chủ yếu phục vụ tiêu dùng tại chỗ.
Tại các thành phố, thị xã, nhiều cơ sở giết mổ nằm rải rác trong khu dân cư hoặc chợ cóc, chợ tạm, chính quyền một số nơi chưa tổ chức quản lý được, do đó việc kiểm soát giết mổ gia cầm gặp nhiều khó khăn.
Trong quá trình kiểm tra, phân loại A,B,C, phần lớn các cơ sở giết mổ thuộc phân loại C. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chọn 3 tỉnh thành là Hà Nội, Yên Bái, Thái Bình thí điểm xử lý các cơ sở giết mổ loại C, sau đó rút kinh nghiệm, triển khai trên diện rộng.
Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã yêu cầu, các địa phương quyết liệt kiểm soát các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm trong nước bởi đây là điểm dễ làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm và gây dịch bệnh./.
Bích Hồng