GDP cả năm 2024 có thể giảm 0,15% do ảnh hưởng cơn bão số 3

12:05' - 15/09/2024
BNEWS Tăng trưởng GDP Quý III/2024 của cả nước có thể giảm 0,35%; Quý IV/2024 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.

Báo cáo tại “Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng”, tổ chức sáng 15/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng GDP Quý III và Quý IV/2024.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Tăng trưởng GDP Quý III/2024 của cả nước có thể giảm 0,35%; Quý IV/2024 giảm 0,22% so với kịch bản không có bão số 3.

 

Ước cả năm GDP có thể giảm 0,15% so với kịch bản đã đưa ra, ước tăng trưởng có thể đạt 6,8-7%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%; công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%.

Tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 của nhiều địa phương như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5%. Nhiều tuyến đường bị ngập lụt, hư hại, khiến hoạt động lưu thông (nhất là đường bộ và đường sắt) bị đình trệ cục bộ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các trang trại, hộ trồng lúa, hoa màu…, hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại hầu hết các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, cả ở khu vực ven biển, đô thị, giáp ranh đô thị, nông thôn, miền núi… là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất, cần nhiều nguồn lực, thời gian để tái đàn, tái vụ, tái sản xuất. Đặc biệt khi miền Bắc đang trong thời gian gieo trồng vụ mùa, chưa bước vào thời điểm thu hoạch.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở du lịch, lưu trú bị hư hỏng, phải đóng cửa để sửa chữa. Do đó, miền Bắc sẽ bỏ lỡ mùa khách du lịch quốc tế (từ tháng 9/2024 đến tháng 4/2025) và cũng có thể không thu hút được khách trong nước, đặc biệt là các địa điểm du lịch trọng điểm như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang…

Không những thế, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng cũng bị tác động của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc, lao động và gia đình người lao động bị ảnh hưởng.

Để hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp, khắc phục thiệt hại, các địa phương đã nỗ lực, cố gắng sớm bảo đảm cung ứng đủ điện, nước, kết nối viễn thông để doanh nghiệp có thể tổ chức sản xuất trở lại ngay khi tình hình thời tiết thuận lợi hơn.

Cùng với đó, các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt được quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ lụt, không để phát sinh dịch bệnh, tránh gây tác động cộng hưởng đến đời sống người dân.

Hệ thống kết cấu hạ tầng của các địa phương do ảnh hưởng của bão, nhiều nơi bị hư hại nghiêm trọng. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, dân sinh về đường sá, cầu, cống, điện, cấp nước, thoát nước, viễn thông, thông tin, trường học… bị hư hại, cần sớm khắc phục. Các công trình hạ tầng thủy lợi, đê kè, đập chứa nước của nhà máy thủy điện… bị thiệt hại, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ khi tình hình bão lũ thời gian tới dự báo còn rất phức tạp.

“Gần đây, xuất hiện nhiều thông tin xấu, không chính xác, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống bão lũ và khắc phục thiệt hại sau bão. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội xuất hiện một số yếu tố phức tạp, nhất là lừa đảo qua mạng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến cáo người dân cần chủ động đề phòng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục