Giá dầu châu Á biến động trái chiều trong phiên 17/1

16:51' - 17/01/2023
BNEWS Giá dầu tại thị trường châu Á biến động trái chiều vào phiên chiều 17/1, sau khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng kinh tế hàng năm yếu nhất kể từ năm 1976.

Giá dầu tại thị trường châu Á biến động trái chiều vào phiên chiều 17/1, sau khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng kinh tế hàng năm yếu nhất kể từ năm 1976, với việc nước này thay đổi chính sách chống COVID-19 vào cuối năm 2022, củng cố hy vọng phục hồi nhu cầu nhiên liệu trong năm nay.

Giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 7 xu Mỹ, tương đương 0,1%, lên 84,52 USD/thùng, bù lại phần nào mức giảm 1% trong phiên trước đó.Trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 73 xu Mỹ, tương đương 0,9%, xuống còn 79,15 USD/thùng.

Các nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng ANZ cho biết: "Dầu Brent đã tăng gần 10% trong 10 ngày qua, do sự lạc quan về việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã thúc đẩy tâm lý người mua. Tuy nhiên, triển vọng cho phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu vẫn là không chắc chắn". ANZ cũng chỉ ra nguồn cung dầu thô tăng vọt từ Nga gây áp lực lên thị trường, với xuất khẩu đường biển đã tăng lên 3,8 triệu thùng/ngày vào tuần trước, mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Số liệu thống kê chính thức công bố ngày 17/1 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2022. Đây là một trong những tốc độ tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong hơn 40 năm qua, chủ yếu là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cũng như các tác động từ khủng hoảng thị trường bất động sản. Trước đó, Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 là 5,5% - thấp hơn nhiều so với mức 8% của năm 2021. Tuy nhiên, số liệu tăng trưởng khiêm tốn này vẫn vượt kỳ vọng của giới phân tích.

Dữ liệu công bố hôm 17/1 cũng cho thấy sản lượng lọc dầu của Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm 3,4% so với một năm trước đó, mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2001, mặc dù sản lượng dầu hàng ngày trong tháng 12 đã tăng lên mức cao thứ hai trong năm 2022.

Nhà kinh tế trưởng của ING, Iris Pang cho biết: "Kinh tế Trung Quốc kết thúc năm 2022 mạnh mẽ hơn chúng tôi dự kiến, cộng với các dấu hiệu cho thấy chi tiêu bán lẻ mạnh hơn, triển vọng tăng trưởng GDP năm 2023 đã được cải thiện so với ước tính trước đó của chúng tôi". Song ông Pang cảnh báo rằng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những “cơn gió ngược” đáng kể, bao gồm cả khả năng suy thoái ở Mỹ và châu Âu trong năm nay.

Đồng USD tăng từ mức thấp nhất trong bảy tháng trong phiên này cũng gây áp lực lên giá dầu, vì đồng bạc xanh mạnh hơn khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục