Giá dầu tăng tác động đến ngành nhựa Indonesia

06:00' - 13/03/2022
BNEWS Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp olefin, hương liệu và nhựa Indonesia (Inaplas) Fajar Budiono cho biết giá dầu toàn cầu tăng cao gây phương hại cho doanh nghiệp trong nước do chi phí sản xuất đắt đỏ.

Ông Fajar cho hay: “Căng thẳng Nga-Ukraine đã đẩy giá dầu mỏ lên cao, khiến giá nguyên liệu thô tăng sớm hơn bình thường, vốn thường bắt đầu tăng vào tháng Tư sau khi các nhà máy bước vào thời kỳ đại tu, bảo dưỡng”.

Ông Fajar dự báo giá polymer sẽ tăng từ 200-350 USD/tấn từ mức giá hiện tại 1.450 USD/tấn nếu giá dầu thế giới tiếp tục duy trì trên 100 USD/thùng. Hồi tháng Giêng, giá polymer chỉ ở mức 1.250 USD/tấn.

 

Theo ông Fajar, polymer là một trong những nguyên liệu thô quan trọng để sản xuất nhựa và loại nguyên liệu thô này chiếm khoảng 80% chi phí sản xuất, trong khi 20% còn lại gồm chi phí điện nước và tiền công lao động.

Ông Fajar cho rằng, ngoài chi phí nguyên liệu thô tăng cao, việc điều chỉnh tăng giá nhiên liệu hoặc giá điện cũng có thể làm tăng chi phí sản xuất và phân phối của các ngành công nghiệp chế biến như ngành nhựa.

Trên thực tế, nhiên liệu chiếm hơn 60% chi phí phân phối sản phẩm của ngành này, trong khi nguyên vật liệu là chi phí sản xuất lớn nhất, tiếp đó là điện.

Tuy nhiên, ông Fajar dự báo ngành nhựa trong nước sẽ tăng trưởng 4,5-5% trong năm nay trong bối cảnh ngành thực phẩm và đồ uống đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ông Fajar khẳng định: “Inaplas lạc quan rằng ngành nhựa trong nước có thể đạt được điều này, miễn là hoạt động sản xuất không bị gián đoạn”.

Ngành công nghiệp bao bì nhựa đang được hưởng lợi từ dịch vụ giao hàng vốn phát triển nhanh chóng trong bối cảnh người tiêu dùng mua sắm tại nhà để giảm nguy cơ mắc COVID-19.

Sự bùng nổ của dịch vụ giao hàng thực phẩm và đồ uống đang bù đắp cho khoản lỗ mà các nhà sản xuất bao bì nhựa đã phải gánh chịu do việc cắt giảm tiêu thụ túi ni lông trong các siêu thị.

Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, tính đến năm 2017, Indonesia có 925 công ty sản xuất các sản phẩm nhựa, sử dụng khoảng 37.000 công nhân và sản xuất khoảng 4,68 triệu tấn sản phẩm mỗi năm.

Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin) phụ trách các ngành công nghiệp hóa dầu và thượng nguồn Achmad Widjaja nhận định rằng những gì đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến thị trường nội địa do Indonesia phụ thuộc vào nhựa nhập khẩu.

Trao đổi với kênh truyền hình CNBC Indonesia hôm 7/3, ông Achmad nói: “Nếu căng thẳng  Nga-Ukraine tiếp tục cho đến giữa năm, tác động lên giá cả hàng hóa sẽ rất đáng kể”.

Giá dầu gần đây đã tăng mạnh do các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào Nga, gây hoang mang và hoảng sợ cho các nhà kinh doanh dầu thô toàn cầu, các hãng vận tải biển và các nhà nhập khẩu.

Người phát ngôn Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia Agung Pribadi cho rằng giá dầu tăng cũng sẽ tác động đến các lĩnh vực khác, trong đó có vận tải, vốn dựa vào nguồn nhiên liệu không được trợ giá.

Theo cơ quan xếp hạng quốc tế S&P Global Ratings, giá dầu tăng được dự báo cũng sẽ dẫn đến thiệt hại thu nhập đáng kể cho phân khúc hạ nguồn của công ty dầu khí nhà nước Pertamina do phải thực hiện nghĩa vụ công ích trong việc phân phối nhiên liệu theo giá do chính phủ ấn định.

S&P ước tính rằng khoản lỗ trong các hoạt động hạ nguồn của Pertamina sẽ vượt 4 tỷ USD, cao hơn mọi khoản lãi từ các hoạt động thăm dò và khai thác thượng nguồn trong bối cảnh giá dầu đắt đỏ hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục