Giá dầu thế giới dứt chuỗi ba tuần giảm

10:08' - 19/04/2025
BNEWS Giá dầu thế giới đã có một tuần giao dịch ngắn ngày đầy biến động, với tâm điểm là phiên 17/4, khi giá dầu Brent và WTI cùng bật tăng hơn 3%.

Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng vào khả năng Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đạt được một thỏa thuận thương mại, cùng với lo ngại ngày càng gia tăng về nguồn cung dầu do các lệnh trừng phạt mới của Mỹ áp đặt lên Iran.

 

Chốt phiên giao dịch ngày 17/4, giá dầu Brent tăng 2,11 USD (3,2%) lên 67,96 USD/thùng, còn giá dầu WTI tăng 2,21 USD (3,54%) lên 64,68 USD/thùng. Đây cũng là phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh, với khối lượng giao dịch giảm nhẹ. Tính chung cả tuần, cả hai loại dầu đều tăng giá khoảng 5%, ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên sau ba tuần đi xuống liên tiếp.

Tâm lý thị trường được cải thiện sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, khi hai bên cùng thể hiện thiện chí giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU. Theo nhận định của chuyên gia Bob Yawger từ ngân hàng Mizuho, một thỏa thuận như vậy có thể giúp hạn chế tác động tiêu cực của các chính sách thuế quan đến nhu cầu dầu.

Tại cuộc thảo luận, hai bên đều lạc quan về khả năng có thể đạt được thỏa thuận thuế quan giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Trump nói: “Sẽ có một thỏa thuận thương mại, 100% chắc chắn về điều đó”. Về phần mình, Thủ tướng Meloni cũng khẳng định bà "chắn chắn" về khả năng Mỹ và EU có thể đạt được một thỏa thuận. Nhà lãnh đạo Italy cũng nhấn mạnh lập trường chung của hai bên là sẽ "làm cho phương Tây vĩ đại trở lại".

Thủ tướng Italy là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump tuyên bố chính sách thuế quan với một loạt đối tác thương mại, trong đó EU bị áp mức thuế đối ứng 20%. Hiện mức thuế này đang được tạm hoãn 90 ngày nhưng thuế đối với nhôm, thép vẫn được áp dụng từ ngày 12/3 và thuế đối với ô tô, phụ tùng ô tô áp dụng từ ngày 3/4.

Các tờ báo ở Italy đưa tin, một trong những mục tiêu trong chuyến thăm Mỹ của bà Meloni là mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt mới mà Washington công bố ngày 16/4 nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu của Iran cũng góp phần đẩy giá dầu đi lên. Mỹ đã mở rộng danh sách trừng phạt đối với các công ty và tàu thuyền bị cáo buộc vận chuyển dầu thô Iran sang Trung Quốc. Giới phân tích cảnh báo những biện pháp này có thể khiến nguồn cung dầu toàn cầu bị gián đoạn.

Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 18/4 dẫn đánh giá của giới chuyên gia cho rằng vòng đàm phán thứ hai giữa Mỹ và Iran tại Rome (Italy) có thể dẫn đến khuôn khổ cho tiến trình đàm phán tương lai về một thỏa thuận nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Những cuộc đàm phán, do Oman làm trung gian, bắt đầu hôm 12/4 tại Muscat sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ thực hiện đầy đủ chính sách “gây áp lực tối đa” đối với Iran. Tehran đang tìm cách giảm bớt các biện pháp trừng phạt kinh tế vốn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Iran.

Ông Farzan Sabet, chuyên gia hàng đầu tại viện nghiên cứu Geneva Graduate Institute, nhận xét: “Cả Mỹ và Iran sẽ cố gắng thiết lập cơ sở cho những cuộc đàm phán với hy vọng thiết lập một khuôn khổ mà từ đó hai bên có thể đạt được thỏa thuận sơ bộ. Sau đó, họ có thể đưa ra các hướng dẫn để đàm phán thỏa thuận dài hạn, nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran và nới lỏng những biện pháp trừng phạt”.

Trước đó, trong phiên 16/4, giá dầu Brent và WTI cũng đã tăng gần 2%, đạt mức cao nhất trong hai tuần. Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố cùng ngày cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 11/4 tăng nhẹ 515.000 thùng, vượt kỳ vọng của giới phân tích.

Tâm lý thị trường giằng co trong hai phiên đầu tuần, sau khi tăng nhẹ phiên 14/4, nhờ việc Mỹ tuyên bố miễn trừ thuế quan đối với một số mặt hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc, giá dầu quay đầu giảm trong phiên 15/4, khi các lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và căng thẳng thương mại tiếp tục đè nặng lên triển vọng tiêu thụ dầu.

Nhiều tổ chức đồng loạt hạ dự báo giá và nhu cầu dầu trong năm nay. Trong tuần này, cả Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2025. OPEC điều chỉnh giảm 150.000 thùng/ngày so với dự báo tháng trước, còn IEA cảnh báo nhu cầu tăng trưởng chậm nhất trong vòng 5 năm.

Nhiều ngân hàng lớn như UBS, BNP Paribas, HSBC, Goldman Sachs và JPMorgan cũng đã cắt giảm dự báo giá dầu trong năm 2025. UBS cảnh báo nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, giá dầu Brent có thể rơi xuống vùng 40-60 USD/thùng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục