Gia tăng giá trị và bảo vệ môi trường trong khai thác thủy sản

15:15' - 23/11/2022
BNEWS Sáng 23/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị bàn giải pháp triển khai đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021-2030.

Tại hội nghị đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh, thành, các tổ chức, doanh nghiệp,...cùng đưa ra các giải pháp giúp gia tăng gia trị trong hoạt động thủy sản, đồng thời giảm thiểu tác động ảnh hưởng của ngành nuôi trồng, đánh bắt đến môi trường.

*Thách thức trong nuôi trồng thủy sản

Trong những năm qua, ngành thủy sản Việt Nam đã phát triển, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế. Tổng sản lượng thủy sản đến tháng 11/2022 ước đạt 8,2 triệu tấn, đạt 94,3% so với kế hoạch cả năm (8,7 triệu tấn); trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 3,5 triệu tấn, đạt 94,8% so với kế hoạch (3,7 triệu tấn); sản lượng nuôi ước đạt 4,6 triệu tấn, đạt 93,9% so với kế hoạch (4,9 triệu tấn). Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản 10 tháng đạt 9,4 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2021; chiếm trên 7% thị phần giao thương thuỷ sản toàn cầu.

Có thể nói đến nay, ngành thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị xuất khẩu đứng thứ 3 trong các ngành kinh tế của đất nước và được xác định là một trong 5 ngành kinh tế biển then chốt trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030.

Ngành thủy sản Việt Nam là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, tuy nhiên trong quá trình phát triển ngành thủy sản cũng đang phải đối mặt với không ít những vấn đề môi trường như: biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng gia tăng, khó dự báo tạo ra những thách thức đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long; hoạt động sản xuất thủy sản đã và đang phát sinh các chất thải nhưng chưa được điều tra, đánh giá một cách tổng thể để xác định đúng vai trò, mức độ các tác động đến môi trường, từ đó chưa có nhiều biện pháp giảm thiểu; hệ thống, thiết bị xử lý chất thải từ hoạt động thủy sản chưa được đầu tư và quan tâm đúng mức, nhất là ở quy mô nhỏ.

Ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, ngư dân trên các tàu đánh bắt, khai thác thủy sản đều vứt rác ra biển chứ không mang vào đất liền xử lý. Chính vì thế gây áp lực rất lớn về môi trường rác thải đại dương ở Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 227,7 ha, hầu hết các cơ sở nuôi thủy sản nuôi với quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, diện tích nhỏ, canh tác theo tập quán; các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố chưa đầu tư cơ sở hạ tầng; một số vùng hệ thống kênh cấp - kênh thoát dùng chung cho cả khu vực nuôi, chất thải được xả thẳng ra môi trường mà chưa qua xử lí nên tình hình dịch bệnh thường xảy ra.

Cho rằng thuỷ sản là ngành sản xuất chịu tác động mạnh mẽ của ô nhiễm môi trường và cũng là ngành sản xuất gây ra ô nhiễm môi trường, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ước tính lượng chất thải rắn từ nuôi tôm là 123 tấn/vụ/ha, nước thải hơn 5.000 m3, lượng chất thải rắn từ hoạt động nuôi cá tra tạo ra khoảng 33,3 tấn bùn (bao gồm cả bùn và nước). Ước tính tổng lượng rác thải nhựa phát sinh do tàu khai thác thủy sản có chiều dài từ 6m trở lên của cả nước vào khoảng 64.143 tấn/năm. Lượng rác thải thất thoát ra biển chủ yếu từ nguồn sinh hoạt (chiếm 60% - 2.288 tấn/năm) và một phần từ ngư lưới cụ bị mất thụ động (chiếm 31% - 1.182 tấn/năm) trong quá trình khai thác;...

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thì ý thức chấp hành của nhiều người dân chưa nâng cao; việc thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong hoạt động nuôi trồng thủy sản chưa được thực hiện. Mặc dù, đã được tuyên truyền hướng dẫn thực hiện các quy định trong nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, các cơ sở nuôi phải có ao xử lý nước thải, khu chứa xử lý chất thải, có hệ thống biogas xử lý xác, vỏ tôm nhưng người nuôi vẫn xả thải trực tiếp ra môi trường.

*Phát triển thủy sản bền vững

Kinh tế xanh hiện đã được hầu hết các quốc gia công nhận là giải pháp phát triển bền vững và dần đưa thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược, chính sách phát triển. Kinh tế xanh được hiểu là sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên (biển, thủy sản, nông sản,...) nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo vệ môi trường.

Xác định phát triển thành phố là thành phố du lịch xanh, trong đó có du lịch biển, Đà Nẵng ngoài thực hiện các đề án, hướng dẫn của Trung ương trong việc bảo vệ  nguồn lợi thủy sản, môi trường biển cũng được thành phố quan tâm. Đặc biệt, trong năm 2022, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã phối hợp với Tổng cục Thủy sản, tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF) thực hiện mô hình thí điểm thu gom rác thải nhựa phát sinh trong quá trình khai thác thủy sản của 25 tàu cá, lắp đặt 6 thùng rác 3 ngăn phục vụ phân loại rác thải tại nguồn. Sau những chuyến đi biển, ngư dân thu gom rác thải nhựa phát sinh trong quá trình khai thác mang về cảng giao cho Ban Quản lý. Kết quả sau 6 tháng thực hiện thí điểm thu gom được 570 kg rác thải gồm ngư lưới cụ hỏng, túi ni lông, thùng xốp, chai lọ, vỏ lon bia...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng Phan Văn Mỹ cũng cho biết, tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) - nơi là điểm nóng về ô nhiễm môi trường, ban quản lý cũng đã triển khai cấp sọt rác cho các tàu thuyền cập bến có dụng cụ chứa rác. Trước khi tàu, thuyền rời cảng phải giao rác cho ban quản lý mới được cấp giấy phép rời cảng.

Với những mô hình đã và đang triển khai, thành phố Đà Nẵng hi vọng sẽ dần từng bước nâng cao ý thức, tạo thói quen cho người dân bảo vệ môi trường biển. Trong khi đó, MFC Group (doanh nghiệp tại Việt Nam sản xuất bột đạm thủy phân từ cá tra và cá biển) với việc đầu tư công nghệ cao đã và đang phân loại phụ phẩm từ cá tra, tôm nuôi để chế thành sản phẩm gia tăng: thực phẩm chức năng, sản phẩm ăn liền, bột gia vị, thức ăn cho thú cưng, cá giống,...

"Các sản phẩm bột đạm thủy phân từ phụ phẩm cá tra, tôm có giá thành sẽ rẻ hơn, giúp người người nuôi được lợi nhuận khi giảm chi phí đầu vào (thức ăn) và quan trọn hơn là bảo vệ môi trường khi sử dụng đạm thủy phân làm thức ăn trong chăn nuôi", ông Nguyễn Anh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị MFC Group chia sẻ.

Trước thực trạng bức tranh môi trường thủy sản đứng trước thách thức lớn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, con người đóng vai trò quan trọng để giải quyết bài toán kinh tế xanh. Nếu con người đoàn kết, chấp hành tốt thì mới giải quyết được vấn đề môi trường thủy sản.

Để đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản tại Việt Nam thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Tổng cục Thủy sản khẩn trương hoàn thiện trình ban hành Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức điều tra, khảo sát để xác định rõ các vấn đề môi trường trọng tâm của ngành, từ đó xác định được các nhiệm vụ, đề xuất được các chính sách cần xây dựng và áp dụng ngay nhằm khuyến khích các bên liên quan cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường của ngành.

Tổng cục nghiên cứu, đề xuất các chương trình, dự án khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia, cấp bộ, đặc biệt là các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản; phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương, viện trường tìm kiếm công nghệ tái chế, xử lý chất thải từ hoạt động thủy sản nhằm giảm tối đa các tác động của quá trình sản xuất thủy sản đến môi trường; các mô hình tận dụng, sử dụng các phế phẩm, phụ phẩm thủy sản;.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục