Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới 2,4 triệu đồng/lượng

18:14' - 13/10/2024
BNEWS Với mức giá bán ra 84,5 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC hiện đắt hơn giá vàng thế giới sau quy đổi là 2,4 triệu đồng/lượng nhưng vẫn giảm khoảng 100 nghìn đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Kết thúc tuần giao dịch, vàng miếng trong nước đang được mua vào tại các doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH MTV Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu neo ở mức mua vào từ 82,3-82,5 triệu đồng/lượng và giá bán đồng nhất ở mức 84,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, với mức giá bán ra 84,5 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC hiện đắt hơn giá vàng thế giới sau quy đổi là 2,4 triệu đồng/lượng nhưng vẫn giảm khoảng 100 nghìn đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Điểm tại đầu tuần, thị trường vàng miếng đã đồng loạt đi ngang ở cả hai chiều mua – bán. Sau đó, bất ngờ tăng giá mạnh với mức điều chỉnh 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán, nâng mức giá giao dịch mua – bán lên 83  – 85 triệu đồng/lượng. Mức cao nhất kể từ ngày 2/6/2024 tới nay. Chênh lệch giá giữa mua – bán cùng neo ở khoảng cách 2 triệu đồng/lượng tại các doanh nghiệp nói trên.

 
Sau nhịp tăng giá trong ngày 8/10, vàng miếng đã trở lại trạng thái đi ngang trong phiên 9/10 và bất ngờ quay đầu giảm 500 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua lẫn bán trong phiên giao dịch ngày 10/10 ngay khi giá vàng thế giới tiếp đà giảm mạnh. Cuối tuần, thị trường vàng miếng không ghi nhận thêm biến động nào, mặc dù giá vàng thế giới bắt đầu có diễn biến hồi phục mạnh mẽ

Theo ông Trương Vy Tuấn, Chuyên gia Trang Giavang.net,  trong cả tuần này, vàng miếng đã ghi nhận mức tăng từ 200-500 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và 500 nghìn đồng/lượng chiều bán, giao dịch mua – bán chốt tuần dừng tại ngưỡng 82,5 – 84,5 triệu đồng/lượng.

Như vậy, với mức giá 84,5 triệu đồng mỗi lượng, vàng miếng SJC hiện đắt hơn giá vàng thế giới sau quy đổi là 2,4 triệu đồng/lượng nhưng vẫn là mức giảm khoảng 100 nghìn đồng/lượng so với cuối tuần trước. Ở ngưỡng này, có thể nhận định: Ngân hàng Nhà nước vẫn sát sao trong việc bình ổn giá vàng, tránh tình trạng giá vàng miếng trong nước tăng quá cao so với giá vàng thế giới.

Không ổn định như vàng miếng, thị trường vàng nhẫn "đuối sức" hơn trong tuần này. Hai phiên tăng giá vào cuối tuần của vàng thế giới đã tạo lực đẩy cho vàng nhẫn trong nước phần nào lấy lại đà mất giá trước đó. Tuy nhiên, tính trong cả tuần, thị trường vàng nhẫn vẫn biến động với xu hướng giảm là chủ yếu.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/10, vàng nhẫn mua vào tại các doanh nghiệp tiêu biểu nói trên đều neo ở ngưỡng 81,6-82,55 triệu đồng/lượng, giá bán khoảng 83-83,55 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua – bán khoảng 900 nghìn đồng đến 1,4 triệu đồng/lượng tùy đơn vị.

Tính trong cả tuần, vàng nhẫn mua vào được ghi nhận nhịp giảm từ 50 -500 nghìn đồng/lượng, vàng nhẫn bán ra tăng nhẹ 50 nghìn đồng nhưng có lúc lại giảm khoảng 150 - 300 nghìn đồng/lượng. Đây là tuần giảm đầu tiên của thị trường vàng nhẫn sau 4 tuần tăng liên tiếp trước đó.

Dự báo về diễn biến giá vàng trong tuần tới, chuyên gia Vy Tuấn cho hay, nếu tính chung cả tuần tăng 500 nghìn đồng/lượng thì vàng miếng trong nước vẫn đang ở vùng giá thích hợp với sự biến động của vàng quốc tế.

Trong ngắn hạn, giá vàng miếng có thể vẫn duy trì các bước tăng giảm trong biên độ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lượng nếu giá vàng quốc tế vẫn giao dịch trong phạm vi 2.600 - 2.680 USD/ounce và vàng miếng khó có cơ hội phá đỉnh giá mới nên sẽ không có sóng lớn.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tiếp tục bám sát với xu hướng của thị trường vàng thế giới. Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng lên 2.650 USD/ounce vào cuối tuần và tỷ giá USD/VND trở lại xu hướng tăng thì giá vàng nhẫn sẽ khó giảm sâu trong ngắn hạn và sẽ sớm trở lại xu hướng tăng với mức dự kiến là  84 triệu đồng/lượng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục