Giá vàng tăng sốc: Cơ hội kiếm lời hay "bắt dao rơi"?

10:36' - 09/01/2020
BNEWS Trong những năm gần đây, dù giá vàng có tăng mạnh thì người bán và người mua không còn rầm rộ.

Thị trường vàng lại có một đợt biến động mới khi căng thẳng Mỹ và Iran leo thang. Vàng đã trở thành hầm trú ẩn an toàn mà giới đầu tư quốc tế tìm đến. Còn với thị trường trong nước, liệu vàng có là cơ hội để đầu tư khi kim loại quý có thời điểm tiến sát mốc 45 triệu đồng/lượng?

Giá vàng thế giới có thời điểm vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce. Ảnh minh họa: TTXVN

*Không còn tấp nập kẻ bán, người mua

Thị trường vàng thế giới biến động không ngừng kể từ phiên 3/1, sau khi Mỹ tiến hành không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad của Iraq, làm chỉ huy quân sự cao cấp của Iran thiệt mạng.

Kim loại quý có thời điểm đã vượt ngưỡng 1.600 USD/ounce trong ngày 8/1, mức cao nhất trong khoảng 7 năm qua khi các nhà đầu tư tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn.

Giá vàng trong nước theo đó cũng lần lượt "chọc thủng" mốc 43 triệu đồng/lượng rồi đến 44 triệu đồng/lượng và có thời điểm áp sát mốc 45 triệu đồng/lượng.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận, những biến động của thị trường vàng trong thời gian gần đây chủ yếu là do yếu tố bên ngoài.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay căng thẳng khu vực Trung Đông đã đẩy giá vàng thế giới lên cao và giá vàng trong nước cũng tăng theo.

Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước hầu như không còn hiện tượng đầu cơ "thổi giá" như trước kia và minh chứng rõ nhất là Ngân hàng Nhà nước đã từ lâu cũng không phải ra thông điệp bình ổn thị trường.  

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chủ trương chống vàng hóa trong nhiều năm nay mà cụ thể là từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đi vào cuộc sống, kim loại quý đã không còn vị trí như xưa. 

Vàng không còn là phương tiện thanh toán, nhu cầu về vàng hiện nay cũng không đến từ việc đầu cơ nữa mà đã trở về nhu cầu thực của người dân như: đồ trang sức, làm quà tặng hoặc tìm kiếm sự may mắn mỗi dịp đầu năm. 

"Chính vì thế, trong những năm gần đây, dù có thời điểm giá vàng có tăng mạnh thì người bán và người mua không còn rầm rộ. Đây là điều tích cực và nó cho thấy Chính phủ đã thành công trong câu chuyện chống vàng hóa nền kinh tế, tạo ra một tâm lý rằng vàng ngày hôm nay không còn sức hấp dẫn để đầu cơ", Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói. 

Nhớ lại hồi tháng 7 năm 2016, thị trường vàng trong nước liên tục chứng kiến những đợt sóng lớn, một hiện tượng hiếm gặp kể từ sau năm 2013 khi kim loại quý vượt qua mốc 38 triệu đồng/lượng và hướng tới mốc 40 triệu đồng/lượng.

Giới phân tích dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và Ngân hàng Nhà nước khi ấy đã phải ra thông điệp có đủ nguồn lực và sẵn sàng can thiệp nhằm bình ổn thị trường kim loại quý này.

Sau thông điệp từ nhà điều hành, ngay lập tức giá vàng trong nước đã lao dốc không phanh bất chấp giá vàng thế giới tăng. Chỉ trong vài tiếng đầu giờ sáng 7/7/2016, kim loại quý đã “bốc hơi” gần 2 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng thế giới vẫn tăng phiên thứ 7 liên tiếp.

Diễn biến này đã cho thấy, yếu tố tâm lý đã “thổi” giá vàng trong nước lên cao và điều này cũng đồng nghĩa với những rủi ro tiềm ẩn đối với giới đầu cơ. Kể từ đó đến nay, Ngân hàng Nhà nước chưa phải ra thông điệp bình ổn thị trường thêm một lần nào nữa. 

Lần gần đây nhất là vào tháng 8/2019, giá vàng trong nước và thế giới đã "leo" lên mức đỉnh của 6 năm do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Trong khi các nhà đầu tư quốc tế đổ xô đi mua vàng như một phương tiện trú ẩn an toàn thì thị trường vàng trong nước vẫn "đìu hiu".

Các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước thậm chí còn không cần nới rộng chênh lệch giữa mua và bán, điều mà họ thường làm để bảo toàn mỗi khi thị trường có biến động.

Điều đó cho thấy, giới đầu cơ trong nước đã thực sự quay lưng với vàng.

Giới kinh doanh vàng cho biết, những ngày gần đây giá vàng tăng mạnh và lượng khách giao dịch nhiều hơn ngày thường nhưng chủ yếu là bán ra chốt lời.

Thị trường cũng không xuất hiện những giao dịch đột biến và hầu như vắng bóng nhà đầu tư.

*Cần những cái đầu "lạnh"

Chuyên gia Jeffrey Currie, thuộc Goldman Sachs, nhấn mạnh vàng có thể tăng giá hơn nữa, khi lịch sử cho thấy sự gia tăng căng thẳng địa chính trị thường đẩy giá kim loại quý này lên cao.

Chuyên gia này lưu ý trong hai cuộc chiến tại vùng Vịnh và cả sự kiện ngày 11/9/2001, giá vàng đều cho thấy sức bật mạnh mẽ.

Do đó, sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran hiện nay có thể tiếp tục thúc đẩy giá vàng.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, giá vàng sẽ tiếp tục tăng nếu xung đột Mỹ - Iran leo thang và mốc 1.800 USD/ounce có thể đạt được. Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột này đi đến thương lượng, giá vàng có thể lao dốc xuống dưới mức 1.600 USD/ounce. Chính vì vậy, đầu tư vàng lúc này đầy rủi ro. 

Theo vị chuyên gia này, đầu tư vào vàng trong lúc này là kênh đầu tư có thể xem xét đến nhưng cần phải tỉnh táo và không nên "ăn xổi".

Tuyệt đối không nên lướt sóng vàng trong giai đoạn này và nếu có mua vàng hãy để dành ít nhất khoảng 3 tháng chờ thời cơ để bán. 

"Lời khuyên của tôi cho các nhà đầu tư vàng là hãy cẩn trọng, giá vàng đang tăng mạnh có cơ hội kiếm lời nhưng thị trường rất rủi ro. Để giảm thiểu rủi ro thì nên phân bổ tiền đầu tư vào nhiều kênh, không nên đổ tất cả tiền bạc vào vàng và nhất là không bao giờ đi vay để đầu tư và có đầu tư thì hãy dùng tiền nhàn rỗi chứ không dùng tiền để kinh doanh "đổ" vào vàng", Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Hiện tại giới phân tích vẫn dự báo giá vàng sẽ còn tăng. Bài học những năm 2011 – 2012 vẫn còn đó. Nhiều dự báo khi ấy đã khẳng định giá vàng sẽ "leo" lên mức 2.000 USD/ounce.

Những đồn đoán đó đã đẩy giá vàng trong nước lên sát 50 triệu đồng/lượng và nhiều người dân đã đổ xô đi mua vàng chờ giá lên.

Nhưng gần 10 năm qua, giá vàng trong nước đã trượt dài và bỏ xa mốc 50 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới chưa bao giờ vươn tới mốc 2.000 USD/ounce. Những ai "ôm" vàng khi ấy chẳng khác nào bắt phải lưỡi dao rơi!./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục