Giá vàng thế giới vượt mốc 2.600 USD/ounce và hướng tới những kỷ lục mới

10:20' - 21/09/2024
BNEWS Giá vàng đã tăng 27% kể từ đầu năm 2024 đến nay, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010.
Giá vàng thế giới đã lại vượt qua mức 2.600 USD/ounce trong phiên 20/9, tiếp nối đà tăng mạnh được thúc đẩy nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục giảm lãi suất và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.

Khoảng 0 giờ 43 phút sáng ngày 21/9 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 1,3% lên 2.620,63 USD/ounce, còn giá vàng kỳ hạn Mỹ tăng 1,2% lên 2.646,20 USD/ounce.

Đợt tăng giá mới nhất của vàng được kích hoạt sau khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ hôm 18/9, với việc cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, khiến vàng - một tài sản không sinh lời - trở nên hấp dẫn hơn.

Giá vàng đã tăng 27% kể từ đầu năm 2024 đến nay, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2010, trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm cách phòng ngừa những bất ổn do các cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông và những khu vực khác gây ra.

 
Các nhà phân tích cho biết đợt tăng giá kỷ lục này của vàng có thể sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới. Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali tại ngân hàng TD Securities cho biết vẫn còn một số hoạt động mua liên quan đến quyết định bắt đầu chu kỳ nới lỏng với mức cắt giảm lãi suất quy mô lớn của Fed.

Đợt tăng giá kỷ lục này đã làm giảm nhu cầu bán lẻ vàng ở các quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong một lưu ý, ngân hàng Commerzbank cho biết đà tăng của vàng "không nên kéo dài mãi", viện dẫn đồn đoán Fed chỉ giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong hai cuộc họp tiếp theo.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng giá vàng thế giới có thể chứng kiến thêm những đợt tăng đột biến trong thời gian tới.

Nhà phân tích Fawad Razaqzada của nền tảng giao dịch hàng hóa và tiền tệ Forex.com cho biết các rủi ro địa chính trị, chẳng hạn như các cuộc xung đột đang diễn ra ở dải Gaza, căng thẳng ở Ukraine và các nơi khác, sẽ đảm bảo duy trì nhu cầu của giới đầu tư đối với các loại tài sản an toàn, trong đó vàng là lựa chọn hàng đầu.

Các nhà phân tích cho biết thêm sự suy yếu liên tục của đồng USD, khiến vàng rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, cũng đã tạo thêm lực đẩy cho giá vàng.

Quyết định về chính sách lãi suất của Fed là yếu tố chính chi phối thị trường vàng tuần qua. Ngay từ phiên đầu tuần 16/9, giá vàng thế giới tiếp tục tăng sau khi lập mức cao kỷ lục trước đó, nhờ sự suy yếu của đồng USD và triển vọng Mỹ hạ lãi suất.

Tại thời điểm này, thị trường dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp từ ngày 17-18/9 và nếu Fed chỉ cắt giảm 0,25 điểm phần trăm, giá vàng kỳ hạn có thể giảm.

Bên cạnh đó, chiến lược gia Peter A. Grant, tổ chức giao dịch kim loại Zaner Metals, cho rằng vụ nổ súng mới đây nhằm vào cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tạo ra sự lo ngại nhất định về tình hình bầu cử ở Mỹ và tạo thuận lợi cho đà tăng của giá vàng.

Sang phiên ngày 17/9, giá vàng đã rời khỏi mức cao kỷ lục đạt được phiên trước, giữa lúc giới giao dịch thận trọng chờ đợi quyết định của Fed. Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đã đặt cược Fed có 63% khả năng cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm thay vì 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp trong hai ngày 17-18/9, cao hơn hẳn so với mức với 34% của một tuần trước.

Giá vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục mới trong phiên 18/9 sau khi Fed chính thức cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, khiến đồng USD giảm giá.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay và giảm thêm 1 điểm phần trăm trong năm 2025.

Giá vàng thế giới tiếp tục tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 19/9 nhờ tác động từ quyết định giảm mạnh lãi suất của Fed.

Ông Alex Ebkarian, Giám đốc điều hành của công ty kinh doanh vàng Allegiance Gold, cho biết thị trường đang tính đến khả năng Fed cắt giảm lãi suất lớn hơn và nhiều lần hơn, vì Mỹ đang bị thâm hụt cả ngân sách và thương mại. Theo ông, điều này sẽ làm đồng USD suy yếu thêm. Chuyên gia này cho rằng sự cộng hưởng giữa những rủi ro địa chính trị, tình hình thâm hụt ngân sách và thâm hụt thương mại hiện tại của Mỹ, môi trường lợi suất trái phiếu chính phủ thấp và đồng USD suy yếu sẽ thúc đẩy giá vàng khởi sắc.

Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trên toàn cầu, cùng với hoạt động mua vàng mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương và những lo ngại về địa chính trị đã thúc đẩy giá vàng liên tục tăng lên các mức cao kỷ lục mới.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,2% lên 31,16 USD/ounce. Giá bạch kim giảm 1,1% xuống 978,50 USD/ounce, còn giá palladium giảm 0,5% xuống 1.074,84 USD/ounce.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục