Giá vàng trong nước chiều 9/3 hạ nhiệt

17:41' - 09/03/2020
BNEWS Giá vàng trong nước chiều 9/3 đã hạ nhiệt, giảm xuống dưới mức 48 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước chiều 9/3 đã xuống dưới mức 48 triệu đồng/lượng. Ảnh Trần Việt/TTXVN

Cuối phiên chiều, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 47,15 - 47,87 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào 50.000 đồng/lượng ở chiều bán so với mức giá niêm yết thời điểm 10 giờ 20 phút sáng nay.

Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được niêm yết ở mức 47,05 - 47,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mức giá niêm yết thời điểm 10 giờ 20 phút sáng nay.

Tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC cũng được niêm yết ở mức 47 – 47,9 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mức giá niêm yết thời điểm 10 giờ 20 phút sáng nay.

Giá vàng châu Á có lúc tăng lên mức cao nhất trong hơn 7 năm trong phiên 9/3, giữa lúc những lo ngại về tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy giới đầu tư tìm đến các tài sản an toàn hơn, song hoạt động bán tháo đã lấy đi phần lớn mức tăng của giá kim loại quý này trong phiên chiều.

Trong một phiên giao dịch biến động, giá vàng giao ngay đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 12/2012 là 1.702,56 USD/ounce trong đầu phiên, trước khi quay đầu giảm 0,5% xuống 1.665,68 USD/ounce vào lúc 16 giờ 26 phút (theo giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng giảm 0,4% xuống 1.666 USD/ounce. 

Chuyên gia cao cấp Avtar Sandu, thuộc Phillip Futures, cho rằng hoạt động bán tháo của nhà đầu tư trên thị trường chủ yếu mang yếu tố kỹ thuật. Theo chuyên gia này, các nhà đầu tư đặt mục tiêu giá vàng ở mức giá 1.700 USD/ounce, do đó họ tiến hành bán tháo để thu lời. Tuy nhiên, ông Avtar Sandu cho rằng hoạt động chốt lời của nhà đầu tư sẽ chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan nhanh chóng đã tác động mạnh đến các thị trường chứng khoán toàn cầu. 

Chuyên gia phân tích thị trường Jeffrey Halley của OANDA cho rằng, giá dầu thô giảm mạnh đã gây ra những “cú sốc” trên thị trường và đẩy giá vàng lên cao. Với việc mất hơn 1/4 giá trị, giá dầu ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991 sau khi Saudi Arabia giảm mạnh giá bán do không đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm sản lượng với Nga nhằm vực dậy giá dầu./.

Xem thêm:

>>Giá vàng sáng 9/3 lại vượt mốc 48 triệu đồng/lượng

>>Giá vàng châu Á vượt 1.700 USD/ounce

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục