Giấc mơ có ngôi nhà “tươm tất” thành hiện thực nhờ vốn tín dụng chính sách

09:09' - 15/12/2023
BNEWS Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện trong thời gian qua là một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước, được xã hội quan tâm, đánh giá cao.
Việc hỗ trợ nhà để ở cho hộ nghèo góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và xây dựng, cải tạo nhà ở, bảo đảm an toàn, ổn định cuộc sống nói riêng.

Sóc Trăng là địa phương điển hình trong việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số. Việc  vận động hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm vì tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là về nhà ở.

Người dân được hỗ trợ nhà đại đoàn kết ở huyện Châu Thành chia sẻ, trước đây không dám mơ ước có được căn nhà ở tươm tất để an cư lạc nghiệp. Giờ được địa phương xem xét hỗ trợ căn nhà đại đoàn kết nên bà con rất vui mừng. 

 
An Giang có 28 dân tộc thiểu số với trên 119.000 người, chiếm 5,2% dân số của tỉnh. Trong đó, cộng đồng Hồi giáo có trên 2.800 hộ với gần 11.200 người, sinh sống tại 9 xóm Chăm ở 5/11 huyện, thị xã, thành phố. Nhờ sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền, đời sống của dân tộc Chăm ở An Giang đã ngày càng được nâng cao. Tỉnh đã thành lập được 2 khu dân cư gồm: Khu dân cư xã Châu Phong có 174 hộ và Khu dân cư Vĩnh Trương với hơn 123 hộ.

Bên cạnh đó, xã Quốc Thái đang quy hoạch xây dựng tuyến dân cư cho đồng bào dân tộc Chăm và xã Đa Phước đã triển khai xây dựng tuyến dân cư có bố trí khu chợ dân sinh. Tỉnh đã bố trí được gần 200 căn nhà; xây nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho đồng bào Chăm từ nguồn xã hội hóa và chính sách hỗ trợ cất nhà cho hộ nghèo dân tộc thiểu số.

Tại Bình Phước, thực hiện chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ dân tộc thiểu số, năm 2023, tổng nhu cầu và dự toán nguồn kinh phí thực hiện chương trình là hơn 120 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, tỉnh giải quyết đất ở cho 48 hộ, giải quyết nhà ở cho 629 hộ. Hộ anh Điểu Đơm và chị Thị Bớt (ngụ thôn 4, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) là một trong những hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ về nhà ở.

Tỉnh Đồng Nai hiện có 51 cộng đồng dân tộc thiểu số với gần 199.000 người. Tỉnh có 24 xã thuộc khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hàng trăm hộ khó khăn về nhà ở. Tỉnh có kế hoạch hỗ trợ nhà ở trong năm 2023 cho số hộ này.

Song song đó, Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc các huyện, thành phố chủ động phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận động nguồn lực xã hội hóa để chung tay dựng mái ấm cho đồng bào khó khăn.

Để việc hỗ trợ đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt được kết quả tốt hơn nữa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị các tỉnh, thành khu vực phía Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm huy động nguồn vốn đảm bảo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đồng thời tăng cường vận động các nguồn lực ngoài ngân sách, các doanh nghiệp tham gia vào việc hỗ trợ, đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các ban, sở, ngành liên quan phải xác định việc bố trí đất và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho đồng bào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị mình.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho người nghèo và đối tượng chính sách khác; trong đó có hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng nêu trên, thông qua nhiều hình thức như bố trí ngân sách nhà nước cấp vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất, cấp vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; quy định các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% hàng năm; có cơ chế cho phép phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh; ngân sách các địa phương, các chủ đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các chương trình tín dụng chính sách...

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tập trung khai thác các nguồn vốn từ thị trường được ngân sách Nhà nước cấp bù lãi suất; đặc biệt, thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo nhằm tạo thói quen tích lũy và hỗ trợ người nghèo từng bước tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục