Giai đoạn 2021-2030, dự kiến cấp phép và đưa vào thăm dò 518 khu vực khoáng sản

12:21' - 12/01/2024
BNEWS Khu vực khoáng sản tại từng địa phương thuộc 6 vùng kinh tế được khoanh định tọa độ khép góc, xác định cụ thể diện tích, dự kiến tài nguyên, trữ lượng, công suất khai thác để thuận lợi trong quản lý.

Ngày 12/1, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, căn cứ Luật Quy hoạch năm 2017 và các pháp luật liên quan, Bộ Xây dựng được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức lập “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Đây một trong các quy hoạch ngành quốc gia quan trọng.

Cơ bản tất cả các khu vực khoáng sản tại từng địa phương thuộc 6 vùng kinh tế trên cả nước đều được khoanh định tọa độ khép góc, xác định cụ thể diện tích, dự kiến tài nguyên, trữ lượng và công suất khai thác để thuận lợi cho việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản.

Đồng thời, sắp xếp khoa học theo danh mục cho từng loại khoáng sản được phân theo mục đích sử dụng để thuận tiện cho việc quản lý, theo dõi, tra cứu và cập nhật thông tin trong quá trình thực hiện quy hoạch sau này – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh.

Việc thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản phải phù hợp chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Cùng đó, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản bảo đảm phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước và dự trữ tài nguyên khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển ngành vật liệu xây dựng trước mắt và lâu dài; bảo đảm an ninh, quốc phòng, hiệu quả kinh tế - xã hội; bảo vệ môi trường, di tích lịch sử, văn hóa, hài hòa giữa lợi ích quốc gia, địa phương và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng ưu tiên và khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước đầu tư dự án khai thác, chế biến khoáng sản có quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng khoáng sản hợp lý, hiệu quả và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) thông tin, việc khuyến khích thăm dò, thăm dò xuống sâu các khu vực khoáng sản theo tọa độ, diện tích được quy hoạch giúp đánh giá đầy đủ tài nguyên, trữ và thu hồi tối đa khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Từ đó, đầu tư có trọng điểm vào các khu vực tập trung nhiều khoáng sản để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo ra động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ đặt ra là khai thác khoáng sản phải bảo đảm thu hồi tối đa khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm; bảo đảm nguyên liệu cho các dự án chế biến trong nước; cân đối hài hòa giữa xuất khẩu, nhập khẩu; chỉ xuất khẩu khoáng sản đã qua chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu theo quy định.

Bên cạnh đó là việc ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin, chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Theo ông Thọ, mục tiêu đặt ra cho giai đoạn đến năm 2030 là ngành công nghiệp khai thác - chế biến các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng trở thành ngành công nghiệp hiện đại, áp dụng triệt để giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ định vị vào quản lý và sản xuất.

Hạn chế các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và lợi thế cạnh tranh.

Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng thành ngành kinh tế mạnh, đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước; áp dụng triệt để công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi toàn diện công nghệ, thiết bị các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á.

Đồng thời, chấm dứt các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường, ưu tiên phát triển vật liệu xanh, vật liệu mới thân thiện với môi trường.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, quy hoạch thăm dò, khai thác theo các nhóm khoáng sản đã đưa ra chỉ tiêu về thăm dò, khai thác trong từng giai đoạn cho cụ thể nhóm khoáng sản làm vật liệu xây dựng như: xi măng; đá ốp lát, mỹ nghệ; gốm sứ, vật liệu chịu lửa; kính xây dựng; vôi công nghiệp.

Trong giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch dự kiến cấp phép và đưa vào thăm dò 518 khu vực khoáng sản và cấp phép khai thác cho 931 khu vực khoáng sản; Giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến cấp phép và thăm dò 177 khu vực khoáng sản và cấp phép khai thác cho 931 khu vực khoáng sản. Tổng tài nguyên, trữ lượng huy động vào Quy hoạch là 26,6 tỷ tấn các loại khoáng sản và 2,25 tỷ m3 đá làm ốp lát.

Quy hoạch chế biến và sử dụng nêu rõ phải tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp và các ngành khác làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, giảm sử dụng tài nguyên khoáng sản tự nhiên, giảm ô nhiễm môi trường.

Khoáng sản làm vật liệu xây dựng được khai thác cung cấp nguyên liệu cho các dự án chế biến và sử dụng theo cân đối của nhu cầu thị trường, ưu tiên cho nhu cầu trong nước, bảo đảm cân đối hài hòa giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Riêng đối với xi măng, vôi công nghiệp khi đầu tư các dự án sản xuất phải dự kiến nguồn nguyên liệu chính nằm trong quy hoạch bảo đảm đủ trữ lượng và chất lượng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục