Giải pháp công nghệ cho phát triển bền vững nghề nuôi cá tra

16:18' - 08/06/2018
BNEWS Ngày 8/6, tại Cần Thơ, Hiệp hội cá tra Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững nghề nuôi cá tra qua ứng dụng công nghệ Emap và IoT”.

Đây là các giải pháp giúp cập nhật thông tin cho các cơ quan quản lý, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ nuôi nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách dễ dàng, đồng thời giám sát chất lượng môi trường nước trong ao nuôi mọi lúc mọi nơi, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, lập dự toán và quản lý chi phí toàn mùa vụ.

Thu hoạch cá tra ở cồn Sơn, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm - TTXVN

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, cá tra là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tăng 4,3% so với năm 2016, đạt 1,79 tỷ USD. Cơ cấu thị trường có sự chuyển dịch từ Mỹ, EU sang Trung Quốc.

So với cùng kỳ năm 2017, trong 6 tháng đầu năm 2018, diện tích nuôi mới tăng 25% (1.663 ha), sản lượng tăng 29% (523.000 tấn). Tuy vậy, năng suất trung bình không tăng tương xứng. Cụ thể, năng suất chỉ tăng 1% (đạt 311 tấn/ha).

Điều này cho thấy: Chúng ta cần đổi mới phương cách nuôi trồng, quản lý để nâng cao năng suất, đồng thời hướng đến đảm bảo chất lượng ổn định, đạt các tiêu chuẩn GlobalGAP để đáp ứng được cho các thị trường khó tính.

Để góp phần giải các bài toán trên, ông Trần Thanh Phong, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng, cần xây dựng được bản đồ vùng nuôi cá tra (Emap), thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là dự án do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Hiệp hội cá tra Việt Nam thực hiện, từ 2016 – 2018, với quy mô 300 vùng nuôi trên 6 tỉnh/thành: Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, cập nhật thường xuyên trên trang web: www.pangasiusmap.com.

Thông qua bản đồ vùng nuôi này, người sử dụng dễ dàng tìm kiếm thông tin và xác định chính xác vị trí vùng nuôi trên hệ thống. Bộ lọc dữ liệu giúp tìm kiếm và trích xuất báo cáo về diện tích, sản lượng, tình trạng chứng nhận, dự báo sản lượng thu hoạch… một cách nhanh chóng và chính xác.

Dữ liệu của bản đồ vùng nuôi còn được sử dụng làm nền tảng cho đề án khảo sát đánh giá tác động của xâm nhập mặn đến môi trường và hiệu quả kinh tế trong nuôi cá tra thương phẩm ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, ứng dụng Internet vạn vật (IoT) vào quản lý chất lượng nguồn nước ao nuôi cũng được đánh giá là giải pháp khả thi, mang lại hiệu quả cao cho các hộ nuôi.

Thông qua các thiết bị quan trắc nước ao nuôi tự động, các chỉ số chất lượng nước sẽ được tự động thu thập với tần suất 15 phút/lần. Người quản lý sẽ nhận được báo cáo 4 lần/ngày, các chỉ số môi trường nước vượt ngưỡng sẽ ngay lập tức được hệ thống cảnh báo trực tiếp đến quản lý thông qua điện thoại thông minh.

Nhờ vậy, người nuôi cá tra sẽ kiểm soát được quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, do có dữ liệu lưu trữ từ khâu con giống đến suốt thời gian nuôi và thu hoạch. Mô hình này cũng giúp người nuôi lập dự toán và quản lý chi phí toàn mùa vụ thông qua số liệu tính toán tự động theo từng giai đoạn nhằm hạn chế rủi ro.

Nuôi cá tra theo mô hình này còn giúp người nuôi tối đa hóa lợi nhuận, nhờ giảm thiểu nhân công, giảm chi phí thay nước, giảm chi phí thức ăn, thông qua biết chính xác các thông số kỹ thuật để quyết định thời điểm thích hợp nhất cho cá ăn và thay nước.

Ông Võ Hùng Dũng khẳng định, chỉ có con đường cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý thì nghề nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long mới phát triển bền vững, trong điều kiện có rất nhiều thách thức cho ngành cá tra Việt Nam: Biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật, giá thành sản xuất cá tra nguyên liệu cao…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục