Giải pháp công nghệ chuyển đổi lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho Việt Nam

15:47' - 28/03/2023
BNEWS Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long” rất có ý nghĩa trong chuyển đổi tư duy sản xuất.

Tại Hội thảo tham vấn giải pháp công nghệ chuyển đổi lúa chất lượng cao và phát thải thấp cho Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 28/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long” rất có ý nghĩa trong chuyển đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ngành lúa gạo Việt Nam không ngừng phát triển với nhiều giống mới chất lượng cao, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại vào chế biến, thương mại.

Trong khâu sản xuất, lúa gạo cũng đã có những chuyển đổi tích cực theo hướng bền vững hơn, áp dụng các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, các biện pháp tưới khô xen kẽ, quy trình canh tác lúa bền vững hay sản xuất lúa hữu cơ. Khoảng trên 75% diện tích ở các vùng chuyên canh sử dụng lúa chứng nhận.

 
Tuy nhiên, hiện nay ngành lúa gạo còn thiếu các vùng chuyên canh lúa quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các biện pháp canh tác vẫn còn chưa bền vững, bà con còn sử dụng nhiều phân thuốc, nước. Với hệ thống canh tác hiện tại sẽ gây lãng phí và còn làm phát thải khí nhà kính.

Đồng bằng sông Cửu Long hàng năm gieo trồng khoảng 3,9 triệu ha cho sản lượng 24,2 triệu tấn lúa (chiếm 56% tổng sản lượng lúa của cả nước). Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng sản xuất lúa còn những hạn chế như: hiệu quả sản xuất và thu nhập của người trồng lúa thấp; chất lượng, sức cạnh tranh của gạo xuất khẩu chưa cao; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả thiếu tập trung; chưa bền vững với biến đổi khí hậu và thay đổi dòng chảy; giảm phát thải khí nhà kính còn hạn chế.

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu, việc triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” là cần thiết, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho hay.

Ngoài xây dựng vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao; thị trường, liên kết sản xuất - tiêu thụ và hình thành chuỗi giá trị; xây dựng thương hiệu gạo… đề án còn có nhiệm vụ hiện đại hóa sản xuất lúa gắn với tăng trưởng xanh.

Theo ông Lê Thanh Tùng, trọng tâm sẽ là cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa và ứng dụng nhanh công nghệ cao, công nghệ số để tiến đến thực hành canh tác lúa chính xác và thông minh. Phát triển mô hình canh tác lúa tuần hoàn, sử dụng phụ phế phẩm lúa gạo để vừa gia tăng giá trị và vừa giảm tác động xấu đến môi trường. Ứng dụng các công nghệ mới giúp nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa, tiết kiệm vật tư đầu vào và tài nguyên, tái sử dụng nguyên liệu phụ phẩm, gia tăng mức giảm phát thải khí nhà kính.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hướng dẫn các địa phương xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo - thẩm định (MRV) ở vùng chuyên canh để định lượng mức giảm phát thải khí kính, làm cơ sở đăng ký chứng nhận sản phẩm gạo cacbon thấp.  Bên cạnh nhãn hiệu gạo của doanh nghiệp, nhãn hiệu gạo quốc gia, doanh nghiệp có thể sử dụng nhãn “gạo cacbon thấp” (low-carbon rice) khi được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận gạo được sản xuất đạt các chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Một trong những giải pháp là ưu tiên phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực: chọn tạo các giống mới đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, có giá trị dinh dưỡng cao, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính; phổ biến các quy trình sản xuất tốt tích hợp với công nghệ cao, công nghệ số…; xác lập các mô hình cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa; ứng dụng hệ thống quản lý minh bạch bằng block chain cho chuỗi giá trị lúa gạo; ứng dụng công nghệ sử dụng, tái chế phụ phẩm lúa gạo (rơm rạ, trấu) và chế biến sâu từ nguyên liệu cám, gạo. 

Ông Cao Thăng Bình, đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết, đề án là sáng kiến rất tốt và đúng thời điểm ngành nông nghiệp phải chuyển đổi sang hướng sản xuất phát thải thấp.

Gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  2 dự án nhằm chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng bền vững hơn và phát thải thấp. Điển hình là dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã chuyển đổi 184.000 ha lúa sản xuất theo hướng phát thải thấp. Định hướng của WB là nhân rộng diện tích trên lên 1 triệu hecta dựa trên nền tảng dự án VnSAT.

WB sẽ hỗ trợ qua các quỹ tài chính cacbon, quỹ tài chính khí hậu để hỗ trợ Việt Nam những nguồn vốn không hoàn lại. Người nông dân đã tham gia sẽ được hưởng thành quả mà họ đã làm được trong thời gian qua. Qua đó cũng tạo thêm động lực cho những người chưa tham gia khi tham gia vào đề án sẽ được chi trả tín chỉ cacbon.

Việt Nam sẽ là nước đầu tiên mà WB hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải và bán trên thị trường cacbon thế giới. Bài học của Việt Nam sẽ được các nước khác áp dụng. Về nguồn lực, các quỹ tài chính cacbon, quỹ tài chính khí hậu cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi này, ông Cao Thăng Bình cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục