Giải pháp giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp

20:56' - 01/08/2021
BNEWS Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương như: Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Người dân và doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch, Chính phủ và các bộ, ngành cùng các ngành và địa phương đang tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, để khẩn trương thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4, EVN đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các tổng công ty điện lực, các công ty điện lực, các trung tâm chăm sóc khách hàng sớm rà soát, chuẩn bị và triển khai các công việc liên quan.Theo ước tính sơ bộ, tổng số tiền giảm giá điện, giảm tiền điện của đợt 4 này là khoảng 2.500 tỷ đồng.
Như vậy đến nay, mặc dù EVN cũng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng trên tinh thần tích cực chia sẻ với những khó khăn của các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch bệnh và các cơ sở cách ly, cơ sở y tế phòng chống dịch, Tập đoàn này đã kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành để cho phép thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện trong 4 đợt trong các năm 2020 và 2021 với tổng số tiền là hơn 16.300 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thực hiện 4 đợt giảm giá điện, giảm tiền điện để góp phần giảm bớt khó khăn do tác động của dịch COVID-19, Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn có nhiều hoạt động ủng hộ, hỗ trợ phòng chống dịch cho nhiều địa phương và các cơ sở y tế.
Chỉ tính riêng đối với đợt dịch COVID-19 từ cuối tháng 4 trở lại đây, EVN và các đơn vị thành viên đã đóng góp ủng hộ, hỗ trợ các hoạt động phòng chống dịch với tổng số tiền gần 430 tỷ đồng; trong đó Tập đoàn đã ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 số tiền 400 tỷ đồng.
Về gỡ khó cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục quản lý chuyên ngành; Cục Y tế Giao thông Vận tải; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và phòng, chống dịch COVID-19.

Trong văn bản này Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu sớm đồng bộ dữ liệu về thông tin khai báo y tế, kết quả xét nghiệm SARS CoV-2 với giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (thẻ ưu tiên “luồng xanh” vận tải).
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trên kịp thời các nội dung nêu tại Văn bản số 1015/2021/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 5187/2021/VPCP-CN của Văn phòng Chính phủ về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.

Cùng với đó, các đơn vị cần phối hợp chặt với cơ quan, đơn vị chuyên môn của ngành y tế, công an, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực vận tải nhằm tạo điều kiện để lưu thông hàng hóa, đồng thời tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đã có thông báo tới các hãng tàu, đại lý hàng tàu và khách hàng về giao nhận hàng hóa tại Tân Cảng - Cát Lái (thành phố Thủ Đức) trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19; trong đó, đơn vị này khuyến cáo khách hàng tạm ngưng tiếp nhận một số hàng hóa hoặc điều chỉnh “cảng đích” để giảm áp lực cho cảng Cát Lái.
Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn khuyến cáo hãng tàu, đại lý hãng tàu tạm ngưng tiếp nhận hàng nhập tại Tân Cảng - Cát Lái của những doanh nghiệp khách hàng đang ngừng sản xuất; khuyến khích các chuyến tàu vào cảng chỉ nhận hàng xuất; tạm ngưng tiếp nhận hàng lạnh trung chuyển rút ruột sang container đến hết ngày 16/8.

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng khuyến cáo ngưng tiếp nhận hàng chiếm dung lượng bãi lớn (như hàng siêu trường, siêu trọng, hàng dự án, hàng quá khổ, quá tải…) tại Tân Cảng - Cát Lái từ ngày 5/8 đến khi có thông báo mới.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, đây là khuyến cáo của Tổng công ty cho phù hợp hoạt động của cảng; trong đó, đối với khách hàng ngừng sản xuất thì không nên đưa hàng về cảng để tránh tồn đọng, nếu hàng hóa về thì cảng vẫn tiếp nhận. Tổng công ty cũng khuyến cáo để các hãng tàu, đại lý hãng tàu và khách hàng ủng hộ theo phương án điều tiết này, góp phần giảm áp lực cho cảng.
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đặc biệt là việc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện phương án "3 tại chỗ" để phát sinh nhiều ổ dịch tại một số địa phương, UBND thành phố Cần Thơ cũng ban hành công văn tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp nếu không đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường yêu cầu Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Chủ tịch UBND các quận, huyện phối hợp với cơ quan y tế khẩn trương kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn phòng, chống dịch tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý, nếu chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch thì hướng dẫn khắc phục.
Kể từ 0 giờ ngày 5/8, các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo đủ điều kiện an toàn phòng, chống dịch phải tạm dừng hoạt động. Nếu không thực hiện yêu cầu dừng hoạt động, để phát sinh và xảy ra lây lan dịch bệnh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và chủ tịch UBND quận, huyện phối hợp với cơ quan y tế kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn phòng, chống dịch tại các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý để quyết định việc tiếp tục hoạt động hoặc dừng hoạt động.

Trường hợp không kiểm tra, đánh giá điều kiện an toàn phòng, chống dịch, để phát sinh và xảy ra lây lan dịch bệnh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục