Giải pháp nào cho doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững?

13:26' - 28/08/2019
BNEWS Hội nghị được kỳ vọng nhằm tháo gỡ khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp xã hội nói riêng và đề cao tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Hội thảo Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 28/8, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội nghị Doanh nghiệp xã hội và phát triển bền vững.

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, hội nghị được kỳ vọng nhằm tháo gỡ khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp xã hội nói riêng và đề cao tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam nói chung.

Đồng thời, lan toả nhiều hơn nữa tới các tổ chức và cá nhân về sứ mệnh phát triển bền vững vì cộng đồng; đề xuất các giải pháp mới phù hợp với tình hình phát triển xã hội hiện tại khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chung, dựa vào các yếu tố xã hội, thông qua việc đối thoại thẳng thắn giữa nhà quản lý chính sách và doanh nghiệp.

Khái niệm doanh nghiệp xã hội là một loại hình doanh nghiệp mới xuất hiện ở Việt Nam và đã có những phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. Bên cạnh đó, có hàng chục nghìn tổ chức và doanh nghiệp có những đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. 

Các doanh nghiệp xã hội đó hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như: đào tạo nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp xã hội hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như: thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính; yếu về năng lực quản lý điều hành và sự thiếu hụt những dịch vụ hỗ trợ và nâng cao năng lực phù hợp cho doanh nghiệp xã hội. Ngoài ra, truyền thông và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp xã hội gặp nhiều khó khăn do nhận thức cộng đồng về loại hình doanh nghiệp này còn hạn chế. 

Tại hội nghị, một số đại diện doanh nghiệp xã hội đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động như:  câu chuyện thành công của chị Tẩn Thị Su- Giám đốc Sapa O’Chau đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người trong hoạt động xã hội. Hay, sáng lập viên doanh nghiệp xã hội Dao’s Care Lê Thuỳ Trang cho tới việc xây dựng kênh bán vé xe giá rẻ của ông Trần Nguyễn Lê Văn- Tổng giám đốc Công ty CP VeXeRe (Vexere.com). Mỗi một doanh nghiệp là một câu chuyện khác nhau nhưng họ đều có mục tiêu vì xã hội. 

Bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam cho biết, Việt Nam có hệ thống sinh thái khởi nghiệp rất ấn tượng và phát triển nhanh chóng cho các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hộ. Những chính sách này cần được bổ sung bằng những hoạt động thúc đẩy thực hiện. 

Để doanh nghiệp tạo tác động xã hội phát triển bền vững, UNDP đề xuất có chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn và các nguồn lực tài chính; hỗ trợ phát triển tiếp cận thị trường và mở rộng quy mô doanh nghiệp tạo tác động xã hội; xây dựng năng lực và tăng cường sự phối hợp. 

“ Trong 3 năm qua UNDP đã làm việc chặt chẽ với với nhà sáng lập, các nhà khởi nghiệp xã hội và các cơ quan chính phủ, giới trẻ và các nhà thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp và chú ý tới  một số hỗ trợ quan trọng cần thiết để tăng cường hơn nữa việc phát triển khu vực này tại Việt Nam để đảm bảo các doanh nghiệp này có thể nhận ra tiềm năng của mình là các đối tác quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua hỗ trợ khởi nghiệp xã hội dựa trên giáo dục, ươm mầm và truyền thông, UNDP Việt  Nam có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển quốc gia và đạt được mục tiêu phát triển bền vững năm 2030. ", bà Catherine Phương nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục