Giải pháp nào chống rét cho cây trồng, vật nuôi?

15:23' - 15/01/2021
BNEWS Ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, nông dân cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá và có biện pháp phòng, chống rét cho mạ, lúa, đàn vật nuôi kịp thời.

Trước tình hình thời tiết sẽ tiếp tục có nhiều đợt rét đậm, rét hại và có khả năng xảy ra băng giá trong thời gian tới ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, ngành nông nghiệp khuyến cáo các địa phương, nông dân cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá và có biện pháp phòng, chống rét cho mạ, lúa, đàn vật nuôi kịp thời.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đợt rét đậm, rét hại vừa qua có ảnh hưởng tới một số diện tích vụ Đông Xuân sớm và trung. Tuy nhiên, Đông Xuân muộn được sản xuất đại trà ở các tỉnh phía Bắc, chiếm trên 90% diện tích nên hiện đang ở giai đoạn chuẩn bị. Các địa phương sẽ gieo mạ xung quanh tiết lập Xuân (3/2) và cấy trong tháng 2, trừ một số diện tích  rất nhỏ, vùng đặc thù có thể kéo dài đến 5/3.

Nếu xảy ra rét đậm, rét hại, những diện tích lúa gieo sạ cần duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa từ 2 - 3 cm, không bón đạm cho lúa trong những ngày trời rét, nếu lúa bị chết phải dặm lại và chăm sóc kịp thời khi thời tiết ấm.

Với diện tích mạ đã gieo, nông dần cần tập trung tốt nhất các phương tiện, dụng  cụ che chắn để chống rét cho mạ bằng vòm che phủ ni lông, giữ đủ nước để giữ ấm cho mạ; không bón phân đạm vào những ngày trời rét, bón bổ sung phân chuồng hoai mục, phân lân, tro bếp để chống rét cho mạ.

Tuyệt đối không gieo mạ, gieo sạ vào thời điểm rét đậm, rét hại, khi nhiệt độ dưới 15 độ C; không cấy khi nhiệt độ trung bình ngày, đêm xuống dưới 15 độ C.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo chặt chẽ thời điểm ngâm ủ, gieo mạ, gieo sạ theo lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất và diễn biến của thời tiết; tránh tình trạng để nông dân gieo mạ, gieo sạ tự phát vào thời gian thời tiết rét đậm, rét hại.

Với sản xuất rau, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân chăm sóc các loại rau màu vụ Đông bằng cách tưới đủ ẩm; bón thêm phân kali, phân lân kết hợp tủ gốc bằng mùn, rơm, rạ,... để giữ ấm, giữ ẩm cho cây; tập trung thu hoạch sớm cây vụ Đông đã đến thời kỳ thu hoạch để đảm bảo năng suất và chất lượng.

Với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch, nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị hạt giống rau các loại, đảm bảo chất lượng để tiếp tục gieo trồng ngay trên diện tích mới thu càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo nguồn rau cung cấp cho thị trường, nhất là dịp trước, sau Tết Nguyên đán.

Đối với các vườn cây lâu năm đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản có các biện pháp bảo vệ kịp thời như tủ gốc giữ ấm cho cây. Thực thiện việc bao tán cho cây bằng túi nilon (khi có tuyết, sương muối), có tác dụng ngăn chặn sương muối và giữ ấm cho toàn bộ tán lá cây mới trồng. Đồng thời chuẩn bị nguồn giống chịu lạnh để trồng giặm đối với những diện tích bị chết.

Cây lâu năm đang trong thời kỳ kinh doanh cần tiến hành tủ gốc bằng tàn dư hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp để vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc và rễ cây. Khi có dự báo sương muối, rét đậm rét hại những nơi có điều kiện tiến hành tưới nước, hun khói ở đầu hướng gió, che cho cây mới trồng để giảm tác hại của rét đậm rét hại.

Trong chăn nuôi, đặc biệt với đàn trâu, bò, đợt rét đậm, rét hại vừa qua, một số địa phương miền núi phía Bắc có thiệt hại về vật nuôi, nhưng so với số lượng đàn trâu, bò chiếm tới 87% tổng đàn trâu, bò cả nước với trên 7 triệu con, số lượng bị thiệt hại rất nhỏ. Tuy theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chúng ta không chủ quan về vấn đề này.

Cập nhật thông tin của các cơ quan dự báo, từ tháng 10/2020, Cục đã có các văn bản gửi các địa phương tăng cường phòng chống đói rét cho vật nuôi, đồng thời có các đoàn kiểm tra, đôn đốc tới các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Hòa Bình, Lai Châu… Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã tổ chức hội nghị về phòng chống đói rét cho vật nuôi khu vực phía Bắc ở tỉnh Hòa Bình.

Theo ông Tống Xuân Chinh, lịch sử năm 2008, ngành chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề nhất do rét đậm, rét hại kéo dài tới 34 ngày và gây thiệt hại trên 200.000 con trâu bò. Chính từ năm đó, chúng ta đã có nhiều đợt thực tiễn phòng chống đói rét hàng năm. Bộ, Cục cũng như các Sở, nhận thức của nông dân trong phòng, chống đói rét cho vật nuôi tăng mạnh. Bên cạnh đó, điều kiện về chuồng trại, thức ăn cho vật nuôi cũng được nông dân chuẩn bị đầy đủ, đặc biệt, trước khi vào rét đậm, rét hại, bà con cũng bán các con già, tăng cường bảo vệ vật nuôi nhỏ.

Các kỹ thuật cũng như nhận thức của cơ quan chuyên môn, nông dân đã có những tiến bộ lớn trong phòng, chống đói rét cho vật nuôi, ông Tống Xuân Chinh cho hay.

Dự báo cho đến hết tháng 1 âm lịch vẫn tiếp tục có các đợt rét đậm, rét hại. Nếu các đợt này kéo dài, hoặc cộng dồn liên tục thì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe vật nuôi, đặc biệt là trâu, bò. Do vậy, người chăn nuôi cần tiếp tục thực hiện các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để đảm bảo tốt việc phòng, chống rét cho vật nuôi.

Đó là, khi nhiệt độ đưới 12 độ C, nông dân không đưa trâu, bò đi làm, không chăn thả mà phải có các biện pháp phòng chống đói rét, cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho trâu bò. Riêng với trâu, nếu buổi trưa, trời nắng ấm thì áp dụng biện pháp kỹ thuật là dắt đi quanh chuồng để vận động, tránh cước chân.

Nếu thức ăn hạn chế  thì cần chia đều lượng thức ăn các loại để vật nuôi đảm bảo sức khỏe, tăng sức đề kháng cho vật nuôi vượt qua mùa Đông. Chuồng trại phải đảm bảo kín gió, nếu rét quá phải có biện pháp sưởi ấm cho trâu bò, bố trí thêm rơm rạ trong chuồng, thậm chí “mặc áo” cho vật nuôi. Đồng thời, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khô dáo hàng ngày./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục