Giải pháp nào để kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển bền vững?

14:01' - 10/09/2019
BNEWS Mỗi năm khu vực kinh tế tập thể này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khoảng 10% và tiếp tục được khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

 Phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được xác định nhất quán, xuyên suốt tại các Nghị quyết Đại hội Đảng.

Đặc biệt từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành đã thể hiện tư duy mới về mô hình hợp tác xã kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.

Đây là nội dung được Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh nhấn mạnh tại toạ đàm “Tăng cường liên kết - Phát triển kinh tế hợp tác bền vững” do Liên minh Hợp tác xã tổ chức sáng 10/9 tại Hà Nội nhằm hướng tới Diễn dàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019 sẽ diến ra vào tháng 10 tới.

Ông Nguyễn Văn Thịnh-Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, khu vực kinh tế hợp tác và hợp tác xã có gần 24.000 hợp tác xã, 80 liên hiệp hợp tác xã và trên 100.000 tổ hợp tác trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội với sự tham gia của gần 8 triệu thành viên và giải quyết việc làm cho 30 triệu lao động.

Cùng với đó, mỗi năm khu vực kinh tế tập thể này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế khoảng 10% và tiếp tục được khẳng định là thành phần kinh tế quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Từ thực tế thăm quan nhiều mô hình hiệu quả, ông Nguyễn Văn Thinh cũng chỉ ra các hợp tác xã làm ăn tốt, thu nhập lao động đạt trên 10 triệu đồng/tháng như: Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hoa Anh Đào - Lâm Đồng, Hợp tác xã bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng)...

Hơn nữa, tại nhiều địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, việc thành lập phát triển  hợp tác xã đang là xu hợp thế khách quan phát triển kinh tế hộ, đảm bảo đầu vào và đầu ra, giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thịnh cũng thẳng thắn thừa nhận kết quả đó chưa tương xứng tiềm năng và thế mạnh của đất nước.

Vì vậy, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng chủ trì Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các mô hình hợp tác xã điển hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, đề xuất sửa đổi bổ sung chính sách cần thiết phát triển hợp tác xã và đề xuất giải đáp chủ trương, chính sách pháp luật giúp khu vực kinh tế tập thể phát triển.

Toàn cảnh buổi tạo đàm "Tăng cường liên kết-Phát triển kinh tế hợp tác bền vững". Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đại diện cho các hợp tác xã, ông Chu Văn Hoà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Đan Phượng chia sẻ, mặc dù các hợp tác xã sản xuất trong cơ chế thị trường nhưng hầu hết lại không biết nhu cầu thị trường là gì; năng suất tăng liên tục nhưng thu nhập tăng thấp; giá đầu vào cao nhưng giá đầu ra thấp; thị trường đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải có chứng nhận xuất xứ nhưng chưa làm được; mất mùa giá cao – được mùa giá thấp… và người dân đang làm ra cái mình có, chưa làm được cái thị trường cần chính là điểm yếu của một số hợp tác xã và thành viên hiện nay.

Ông Chu Văn Hòa cũng chỉ ra nguyên nhân là do việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất hợp tác xã; hướng dẫn, tư vấn cho các hợp tác xã nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hợp tác xã còn hạn chế… Hơn nữa, nhiều hợp tác xã còn gặp khó khăn về tiếp cận vốn vay, cơ sở vật chất, đất sản xuất, đất làm nhà xưởng, trụ sở.

Ông Hoàng Minh Chiến-Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2011 đến nay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã làm đơn vị chủ trì thực hiện 10 đề án trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia với tổng kinh phí được phê duyệt khoảng 16,29 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, các chương trình này đã hỗ trợ hàng nghìn lượt hợp tác xã, doanh nghiệp trên cả nước tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế trong nước và một số thị trường mục tiêu tại nước ngoài như Italy, Đức…, tham gia các khóa đào tạo tập huấn kỹ năng kinh doanh và tiếp cận thị trường trong nước cho các hợp tác xã trên địa bàn cả nước.

Mặt khác, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động liên kết vùng, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới, miền núi và hải đảo, góp phần thúc đẩy thương mại.

Bên cạnh đó, tạo lập kênh phân phối cung cấp sản phẩm thiết yếu cho người dân, đồng thời góp phần đưa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được mở rộng và đi vào chiều sâu, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất của các hợp tác xã trong nước, tạo dựng thị trường vững chắc hơn cho hàng Việt tại thị trường nội địa.

Tuy nhiên, số lượng hợp tác xã tiếp cận và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế, tập trung chủ yếu vào các hoạt động xúc tiến thương mại tại địa phương và một số ít đề án hội chợ triển lãm tại nước ngoài.

“Nguyên nhân cơ bản do các hợp tác xã, nhất là các hợp tác xãkhu vực nông thôn, miền núi còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin”, ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.

Hơn nữa, nhiều hợp tác xã chưa đủ nguồn nhân lực và tài chính để đầu tư tham gia các chương trình xúc tiến thương mại lớn. Cùng đó, các đơn vị chủ trì chưa đầu tư xây dựng nhiều đề án hỗ trợ  mang tính dài hạn, theo chuỗi từ  phát triển sản phẩm, thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, phát triển thị trường tiêu thụ.

Do vậy, ông Hoàng Minh Chiến đề xuất các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp với các địa phương, cơ quan hữu quan thực hiện chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các hợp tác xã.

Về phía Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu, định hướng hoạt động xúc tiến thương mại cho hợp tác xã.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp phải chủ động  phối hợp, yêu cầu các hiệp hội chuyên ngành xây dựng thông tin đề án xúc tiến thương mại làm cơ sở cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh và phát triển thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục