Giải pháp nào để xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững?

20:12' - 05/04/2018
BNEWS Ngành thủy sản cần cơ cấu lại cho phù hợp; tổ chức các cấp hướng đến một nghề cá bền vững, trách nhiệm, khai thác có hiệu quả, hội nhập trước thách thức của thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Kinh doanh chế biến Thủy sản xuất khẩu Quốc Việt (Cà Mau). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Sáng 5/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị bàn giải pháp khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác với sự tham dự của đại diện lãnh đạo 28 tỉnh, thành ven biển Việt Nam.

Theo báo cáo về tình hình khai thác và công tác bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác, năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản cả nước đạt 3,421 triệu tấn, tăng 5,7% so với năm 2016 và tăng 3,7% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng khai thác hải sản đạt 3,221 triệu tấn và khai thác nội địa đạt 200 nghìn tấn.

Hội nghị cũng nghe các báo cáo về dự báo ngư trường, nguồn lợi và khuyến nghị về khai thác thủy sản, tình hình chế biến và tiêu thụ nội địa sản phẩm hải sản khai thác, công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm khai thác thủy sản…

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã trình bày những giải pháp cụ thể để thúc đẩy xuất khẩu hải sản khai thác, đề cập nhiều đến các vấn đề liên quan đến các quy định của nhà nước cho ngành này cần được các cấp, ngành kịp thời quan tâm, tháo gỡ để doanh nghiệp phát triển tốt.

Các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp cũng đề xuất nhiều ý kiến liên quan đến ngành thủy sản và được các cơ quan quản lý nhà nước thảo luận sôi nổi. Nội dung liên quan đến các vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên tàu cá, cảng cá; công tác thu mua thủy sản, nâng cấp các cảng cá và các thủ tục hành chính để chứng nhận đủ điều kiện chất lượng xuất khẩu hải sản vào thị trường EU… Sau khi nghe xong ý kiến, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kịp thời đưa ra các quyết định để tháo gỡ vướng mắc liên quan giấy chứng nhận chất lượng thủy sản.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chỉ ra những bất cập trong lĩnh vực khai thác và bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản khai thác, như nghề cá nhân dân chưa có sự kết hợp cao với khoa học kĩ thuật, khai thác trên diện rộng nhưng chưa có các giải pháp nâng cao chế biến hải sản.

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị ngành thủy sản cần cơ cấu lại cho phù hợp; tổ chức các cấp hướng đến một nghề cá bền vững, trách nhiệm, khai thác có hiệu quả, hội nhập trước thách thức của thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Riêng cấp bộ cần phải tập trung, quyết liệt, rà soát và cung cấp thông tin kịp thời, chất lượng đến với người dân, doanh nghiệp; đối với lĩnh vực khai thác (bờ, lộng, khơi) cần phải tổ chức theo chuỗi khép kín; tăng cường chế biến thủy sản bằng cách làm tăng chất lượng sản phẩm từ thủy sản; tập trung nuôi trồng thủy sản có quy hoạch và bằng những công nghệ hiện đại nhất; đồng thời phân tích và tìm các thị trường đầu ra cho ngành thủy sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục