Giải pháp nào hỗ trợ hợp tác xã thiết thực, phù hợp thông lệ quốc tế?

11:48' - 17/08/2017
BNEWS Luật Hợp tác xã 2012 ra đời tạo nền tảng để hợp tác xã phát triển mạnh hơn trong giai đoạn mới nên cần theo sát tình hình, tìm giải pháp quản lý hợp lý, kịp thời.
Tìm giải pháp hỗ trợ Hợp tác xã hoạt động một cách thiết thực, phù hợp thông lệ quốc tế. Tác giả: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 17/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả gắn với chuỗi giá trị.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Nghị, cho biết, hợp tác xã đã ra đời từ lâu ở Việt Nam và trải qua nhiều năm hình thành, phát triển. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội đã và đang thay đổi, đòi hỏi các hợp tác xã cũng phải thay đổi để hoạt động phù hợp và hiệu quả hơn.

Đặc biệt, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã ra đời, tạo nền tảng và điều kiện đầy đủ để hợp tác xã phát triển mạnh hơn trong giai đoạn mới, gắn liền với quá trình hội nhập quốc tế. Do đó, vấn đề đặt ra là, cơ quan quản lý các cấp cần theo sát tình hình, tìm giải pháp quản lý hợp lý, kịp thời hỗ trợ hợp tác xã một cách thiết thực, phù hợp thông lệ quốc tế.

Ông Bùi Nghị nhấn mạnh, mỗi hợp tác xã cần cải thiện sức cạnh tranh; chủ động trong huy động và sử dụng các nguồn lực tổng hợp, nhấn mạnh vai trò của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng như nâng cao hiệu quả quản trị kết hợp với hoạt động xây dựng thương hiệu và tiếp thị, xúc tiến thương mại.

Hợp tác xã phải chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất cũng như sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, với sản phẩm có giá trị gia tăng cao; đáp ứng yêu cầu trong nước cũng như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu...

Chia sẻ kinh nghiệm, một số chuyên gia quốc tế cho rằng, các đơn vị cũng cần tìm hiểu, học tập và phát huy một số mô hình phát triển của hợp tác xã tại các nước phát triển như: Canada, Hà Lan, Đức...; trong đó, hợp tác xã cần được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, huy động nguồn lực từ mỗi thành viên tham gia và phân chia lợi nhuận theo thỏa thuận hoặc mức độ đóng góp.

Đến nay, Việt Nam có hơn 19.500 hợp tác xã, trong đó chủ yếu tập trung và một số lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, vận tải, tín dụng, thủ công nghiệp...

Tuy nhiên, hiện chỉ có 1/3 tổng số đơn vị hoạt động có hiệu quả, bên cạnh hơn 2.600 hợp tác xã đã giải thể. Như vậy, chất lượng, "sức sống" của hợp tác xã đang là vấn đề nan giải, cần nhận được sự hỗ trợ và điều kiện thỏa đáng từ phía cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương.

Ngoài ra, nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của hợp tác xã, về Luật Hợp tác xã chưa thống chất, còn lúng túng trong cách ứng xử từ phía cơ quan chức năng, chính sách hỗ trợ cũng thiếu tập trung, phân tán, chưa đồng bộ...

Tại hội thảo, đại diện một số hợp tác xã đã đưa ra những kinh nghiệm thực tiễn. Theo ông Trần Văn Cứng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang, hợp tác xã nên đại diện cho các hộ ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa với doanh nghiệp; trong đó, hợp tác xã nhận giống, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón từ doanh nghiệp rồi cung cấp cho các hộ tham gia liên kết.

Hợp tác xã được nhận tiền hoa hồng tương ứng với tổng doanh thu các mặt hàng mình đã đảm nhận, phục vụ các hộ. Bên cạnh đó, hợp tác xã cùng với cán bộ kỹ thuật tham gia giám sát, hỗ trợ các hộ trong quá trình sản xuất, tiếp thu ý kiến và phản hồi với các đối tác, khách hàng khi có vấn đề cần thiết.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục