Giải pháp nào khôi phục ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới?

15:08' - 04/02/2022
BNEWS Để phục hồi trong bối cảnh bình thường mới ngành du lịch ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn điểm đến du lịch cho khách du lịch.

Những tháng đầu năm du lịch nội địa dần hồi sinh, việc bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế đến Việt Nam từ các tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Quốc, (Kiên Giang), Khánh Hòa, Tp. Hồ Chí Minh… là những tin vui của ngành du lịch sau thời gian dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, để phục hồi trong bối cảnh bình thường mới ngành du lịch cần có những giải pháp phù hợp.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, du lịch Việt Nam sẽ ưu tiên hàng đầu trong việc bảo đảm các điều kiện an toàn điểm đến du lịch cho khách du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tiếp tục chỉ đạo triển khai nghiêm túc Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL về việc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong hoạt động VHTTDL và triển khai đến các địa phương, doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn áp dụng Hệ thống đăng ký và đánh giá an toàn COVID-19 áp dụng đối với khu điểm du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú, hướng dẫn viên, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại địa chỉ https://safe.tourism.com.vn. Giới thiệu rộng rãi và khuyến khích khách du lịch sử dụng ứng dụng "Du lịch Việt Nam an toàn" để tra cứu thông tin du lịch an toàn, khai báo y tế, đánh giá điểm đến.

Ngành du lịch cũng tập trung đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nội địa toàn quốc. Căn cứ Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL, Bộ VHTTDL triển khai các biện pháp kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; trong đó, ngành du lịch xác định một trong những quan điểm chủ đạo là gắn phục hồi, phát triển du lịch với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của Ngành, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, du lịch nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục ban hành Chương trình số 4698/BVHTTDL-TCDL về Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và triển khai đồng loạt trên cả nước với chủ đề "Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn".

Ngành cũng tập trung triển khai chương trình thí điểm mở cửa thị trường quốc tế. Bộ VHTTDL tiếp tục quán triệt địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt Hướng dẫn số 4122/HD-BVHTTDL về Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Nghiên cứu đề xuất mở rộng phạm vi thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ triển khai thực tiễn trong giai đoạn 1, tiến tới mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.

Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong Du lịch. Triển khai chiến dịch truyền thông tái khởi động du lịch nội địa "Du lịch an toàn, hấp dẫn": chuẩn bị tổ chức các sự kiện phát động, kích cầu thị trường, hội chợ du lịch, hội thảo giới thiệu điểm đến, kết nối doanh nghiệp kết hợp linh hoạt giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến, các chương trình khảo sát điểm đến, sản phẩm.

Triển khai truyền thông hướng đến khách quốc tế với chiến dịch xúc tiến, quảng bá trên các kênh truyền thông trực tuyến của Tổng cục Du lịch.

Ngành du lịch, triển khai đa dạng sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng mới của thị trường. Lập quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Phát triển các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có phù hợp với nhu cầu đã thay đổi do tác động của COVID-19; phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế đêm, góp phần tăng chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch.

Các địa phương xác định đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng sẵn có, mang tính khác biệt, tạo thành mạng lưới các sản phẩm đa dạng, bổ trợ cho nhau.

Bên cạnh đó, ngành du lịch đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch số giai đoạn 2021-2025. Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa các thông tin dữ liệu phục vụ quản lý các cơ sở lưu trú, các hãng lữ hành, hướng dẫn viên, điểm đến, các cơ sở dịch vụ du lịch; cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch. Xây dựng nền tảng kết nối hỗ trợ kinh doanh du lịch, dần hình thành sàn kinh doanh điện tử đối với các dịch vụ du lịch quốc gia.

Ngành tiếp tục hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực theo cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu phục hồi du lịch, cơ cấu lại nguồn lực phát triển du lịch. Phát triển nguồn nhân lực du lịch đóng vai trò quan trọng cho sự phục hồi trong ngắn hạn; phục vụ phát triển du lịch bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Đầu tư đào tạo, đào tạo lại lao động nghề phục vụ hoạt động kinh doanh khách sạn, lữ hành, hướng dẫn viên, xúc tiến quảng bá du lịch./.

>>>Đánh thức du lịch Lai Châu

  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục