Giải pháp phát triển chuỗi giá trị dừa an toàn, bền vững

19:03' - 20/10/2023
BNEWS Chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, với khoảng 30% sản phẩm dừa được chế biến sâu phục vụ cho xuất khẩu.
Chiều 20/10, tại thành phố Bến Tre, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ban Quản lý Dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre (CSAT) tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển chuỗi giá trị dừa an toàn, bền vững đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu”.

 
Hội thảo nhằm tăng cường xây dựng vùng sản xuất tập trung, đồng thời đánh giá thực trạng và tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu dừa của tỉnh trong thời gian qua; đề ra những giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững thời gian tới, từng bước khẳng định vị thế ngành hàng dừa của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, xác định tiềm năng, lợi thế của cây dừa là loại cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, từ năm 2016, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 5/8/2016 về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025. Năm 2021, Tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/01/2021 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh, để phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành dừa, trong thời gian tới, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm từ quy trình canh tác; việc tổ chức thu mua, sơ chế thông qua liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã cung ứng dừa cho doanh nghiệp; việc đầu tư thiết bị, dây chuyền chế biến và tìm kiếm, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp. Cùng đó là sự hỗ trợ về kỹ thuật trong hệ thống quản lý nông nghiệp cùng với các chủ trương của Đảng, chính sách nhà nước về cây dừa đều hướng đến mục tiêu phát triển chuỗi giá trị dừa an toàn, bền vững đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức thông tin, thời gian qua, nhận thức của người dân tham gia vào kinh tế hợp tác gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên. Tỉnh bước đầu hình thành vùng nguyên liệu, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tại Bến Tre, nhiều mô hình liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, sản xuất theo hướng GAP, hữu cơ có liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường đã được hình thành và ngày càng phát triển. Đặc biệt, chuỗi sản phẩm dừa là một chuỗi khá lớn có mức độ liên kết rộng, với khoảng 30% sản phẩm dừa được chế biến sâu phục vụ cho xuất khẩu.

Đến nay, diện tích dừa tham gia chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh đạt trên 23.747 ha, chiếm trên 30% tổng diện tích dừa của tỉnh, sản lượng dừa tham gia chuỗi giá trị đạt trên 230.000 tấn/tổng sản lượng dừa toàn tỉnh là 688.000 tấn. Địa phương có 32 tổ hợp tác và 30 hợp tác xã tham gia liên kết, tổ chức sản xuất với sự đồng hành của các doanh nghiệp dẫn dắt trong chuỗi sản phẩm dừa.

Đặc biệt, diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên hàng năm. Đến nay, diện tích dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt trên 18.000 ha; trong đó, diện tích đạt chứng nhận là 11.630 ha theo tiêu chuẩn Mỹ, Nhật và EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Các sản phẩm dừa của Bến Tre hiện đã có mặt trên thị trường của hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngày càng đi vào thị trường tiêu chuẩn cao và đầy tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Trung Đông... với hơn 90 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Riêng đối với dừa uống nước, toàn tỉnh hiện có trên 15.000 ha và diện tích dừa uống nước ngày càng tăng lên, bước đầu đã hình thành chuỗi phục vụ tốt cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hiện tại, Bến Tre đã có hơn 5 doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Nhật, Singapore, Australia, Canada…

Hiện nay, có 20 doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở đóng gói và mã số vùng trồng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc; trong đó, có 13 cơ sở đóng gói, 35 vùng trồng với 2.343 ha đã nộp hồ sơ về Cục Bảo vệ thực vật để chuẩn bị đáp ứng cho thị trường Trung Quốc.

Tham luận tại hội thảo, ông Lê Hoàng Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư dừa Bến Tre (Beinco) chia sẻ, hiện nay chuỗi dừa thể hiện đầy đủ đặc điểm của một chuỗi sản phẩm, có hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng khá lớn cho ngành dừa của tỉnh. Tuy nhiên, ngành chức năng cần đẩy mạnh thực hiện mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, xem đây là giải pháp then chốt nhất trong quá trình nâng cấp chuỗi giá trị.

Mặt khác, tỉnh Bến Tre trong quá trình nâng cấp chuỗi giá trị dừa cần đặc biệt chú ý đến các giải pháp liên kết chuỗi, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các giải pháp này với các giải pháp đẩy mạnh hoạt động của từng khâu. Có như thế, quá trình nâng cấp chuỗi giá trị dừa mới thật sự có hiệu quả và có khả năng tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho tỉnh trong tương lai, ông Lê Hoàng Nam nhấn mạnh.

Trong khi đó, Giám Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Trái cây Mekong Bùi Dương Thuật cho hay, đối với thị trường xuất khẩu dừa tươi Việt Nam, cụ thể là dừa tươi Bến Tre, cùng với công nghệ sơ chế bảo quản hiện nay (trên 90 ngày) đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm dừa tươi của các nước trong khu vực, cụ thể là Thái Lan.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi tại Mỹ và Trung Quốc là rất lớn. Trong khi dừa Việt Nam thì chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy, cơ hội sẽ còn nhiều để phát triển với xu hướng hiện nay người tiêu dùng chuyển sang sử dụng thực phẩm, thức uống tự nhiên, do đó sức tiêu thụ tăng hàng năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục