Giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội - Bài 1: Hàng loạt bất cập cần tháo gỡ

10:48' - 17/03/2018
BNEWS Nguyên nhân gây ùn tắc do đâu và giải pháp giải quyết tình trạng này thế nào là những câu hỏi đang được chính quyền thành phố Hà Nội và ngành chức năng nỗ lực tháo gỡ.
Giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong khi ùn tắc giao thông ở Thủ đô Hà Nội mỗi năm “đốt” hàng triệu đô-la của xã hội thì việc tìm lời giải cho bài toán này đến nay vẫn chưa có đáp án. Nguyên nhân gây ùn tắc do đâu và giải pháp giải quyết tình trạng này thế nào là những câu hỏi đang được chính quyền thành phố Hà Nội và ngành chức năng nỗ lực tháo gỡ.

“… Từ khi hòa bình lập lại, cùng với việc tập trung nguồn lực vào để tái thiết, Hà Nội mở rộng, nền kinh tế thị trường chuyển sang phát triển dịch vụ thương mại, dân nhập cư về thành phố để tìm công ăn việc làm tăng.

Các khu công nghiệp và đô thị phát triển , dân số tăng theo cấp số cộng, vượt quá tầm kiểm soát, nhu cầu đi lại của người dân tăng lên. Trong khi đó, vận tải hành khách công cộng phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Phương tiện giao thông cá nhân phát triển là điểm tất yếu và đúng quy luật”, ông Bùi Danh Liêm, Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội đã khái quát như vậy về nguyên nhân “bùng nổ” phương tiện giao thông cá nhân gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội trong những năm qua.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở Thủ đô, đại diện Phòng Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt Hà Nội cho biết, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự gia tăng của các loại phương tiện. Mạng lưới giao thông chủ yếu là các nút giao cắt đồng mức, mặt cắt các tuyến phố nhỏ, hẹp dẫn đến xung đột giữa các dòng phương tiện, trong giờ cao điểm lưu lượng giao thông quá tải cao gấp 6 lần so với công suất thiết kế. Mặt khác, việc mất cân đối trong quy hoạch hạ tầng giao thông, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới đạt 8,65% diện tích đất đô thị. Hệ thống bến bãi, điểm trông giữ phương tiện, điểm dừng đón trả khách cho các phương tiện công cộng như xe taxi, xe phục vụ tham quan du lịch còn hạn chế. Công tác tổ chức giao thông tại một số tuyến, nút, tại một số thời điểm còn chưa khoa học, chưa phù hợp để đáp ứng việc đi lại thuận tiện cho nhân dân. Nhiều điểm mở quay đầu còn chưa hợp lý, hệ thống vạch sơn, biển báo, gờ giảm tốc, phân làn, phân tuyến còn chưa khoa học.

Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước còn kém gây ngập úng, cản trở giao thông mỗi khi mưa to, kéo dài. Trên địa bàn còn nhiều điểm trông xe dưới lòng đường thu hẹp diện tích dành cho giao thông. Hệ thống trường học, bệnh viện, nhà tang lễ, chợ,... phức tạp ảnh hưởng đến giao thông. Toàn thành phố có trên 2500 trường học từ bậc mầm non đến đại học, trong đó có 80 trường học trên các trục chính; 43 bệnh viện lớn, 59 chợ lấn chiếm lòng đường ảnh hưởng đến giao thông.

Ngoài ra, mật độ xây dựng các chung cư cao tầng trong đô thị còn lớn, nhiều trung tâm thương mại, cao tầng mọc lên dẫn đến lượng người tập trung sinh sống trong nội đô ngày càng tăng. Trên địa bàn thành phố, nhiều công trình xây dựng lớn với nhiều điểm rào chắn thi công cũng gây ùn tắc vào những giờ cao điểm.

Đặc biệt, sự tăng nhanh của các phương tiện cá nhân theo cấp số nhân cùng với các phương tiện từ bên ngoài vào hoạt động trong khi loại hình phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế là nguyên nhân gây quá tải trên hệ thống giao thông, dẫn đến ùn tắc. Tiến độ di dời các cơ quan, trường học, bến xe, nhà ga ra khỏi nội đô còn chậm.

Ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn thiếu tự giác, vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông như: Không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chuyển hướng sai quy định, đi vào làn đường cấm, ngược chiều, chở quá người, chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ, quá tải, người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định…Tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố trên một số tuyến phố để làm nơi kinh doanh, buôn bán, họp chợ, trông giữ xe, đặt biển quảng cáo, mái che, mái vẩy cũng là nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

Sự vào cuộc của các cấp ngành trong công tác tuyên truyền còn chưa đồng bộ, quyết liệt. Trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông còn hạn chế. Chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm giao thông chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Tất cả những tồn tại khiến tình trạng ùn tắc giao thông vẫn đang diễn ra hàng ngày trên địa bàn Hà Nội, gây thiệt hại và bức xúc cho người dân.

Mặc dù những năm gần đây đã có hàng loạt giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô đã được các ngành chức năng triển khai như: Tổ chức lại giao thông; hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào nội đô; xây dựng cầu vượt, mở rộng đường; phát triển vận tải công cộng; điều chỉnh giờ học, giờ làm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền… tình hình ùn tắc giao thông đã được cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, theo thống kê của ngành chức năng, hiện nay, trên địa bàn thành phố vẫn còn 37 điểm đen phức tạp thường xảy ra ùn tắc giao thông và tình hình ùn tắc giao thông ở Thủ đô vẫn diễn biến phức tạp nếu không có những giải pháp hữu hiệu.

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mặc dù tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Nhưng khi những chiếc cầu vượt nhẹ phát huy hết tác dụng, nhu cầu đi lại của người dân tiếp tục gia tăng, đặc biệt việc người dân chuyển từ xe máy sang ô tô thì ùn tắc giao thông vẫn là thách thức lớn cho Hà Nội trong những năm tới.

Quan trọng hơn, đó là sự bất cập trong quy hoạch sử dụng đất và thực hiện quy hoạch không nghiêm, phát triển đô thị với mật độ dân số tập trung rất cao nhưng không tính đến năng lực đáp ứng của hạ tầng, hệ thống vận tải công cộng chưa được đầu tư tương ứng, thiếu các phương tiện vận tải bền vững như đi bộ và xe đạp… khiến ùn tắc giao thông vẫn là căn bệnh kinh niên khó chữa ở Hà Nội, đòi hỏi phải được giải quyết với những giải pháp đồng bộ, hợp lý hơn trong những năm tới./.

( Bài 2: Cần giải pháp tổng thể)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục