Giàn khoan dầu khí - “Trạm y tế” trên biển của ngư dân

07:16' - 13/07/2018
BNEWS Mỗi giàn khoan dầu khí không chỉ là những cột mốc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc mà còn là là những “trạm y tế” giữa biển khơi của dân đánh cá xa bờ.

Trong những năm qua, các đơn vị/nhà thầu thuộc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) trong quá trình hoạt động trên biển đã thường xuyên hỗ trợ công tác cứu nạn cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển, sơ cấp cứu và hỗ trợ di chuyển nhiều nạn nhân về bờ an toàn.

Việc tham gia cứu hộ, cứu nạn luôn được tuân thủ theo thông lệ hàng hải quốc tế và quốc gia. Mỗi cán bộ, người lao động của PVEP nói riêng và ngành Dầu khí nói chung luôn tâm niệm việc tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người bị nạn trên biển là một công việc có ý nghĩa rất lớn, là một phần trách nhiệm của những người lao động trên biển.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển sẽ ảnh hưởng tích cực đến tâm lý cần sự chung tay, chung sức của ngư dân trong việc bảo vệ an ninh - an toàn dầu khí.

Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, các dự án/mỏ của PVEP và các đơn vị/nhà thầu trực thuộc đã tham gia tìm kiếm cứu nạn 25 tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam gặp nạn trên biển; hỗ trợ y tế, cấp cứu cho hơn 60 trường hợp ngư dân gặp tai nạn, trong đó có nhiều ca cấp cứu nặng được PVEP hỗ trợ đưa về bờ an toàn. 

Vận chuyển người bị nạn về đất liền bằng máy bay trực thăng. Ảnh: PVEP
Nằm ở những vùng biển xa bờ, điều kiện di chuyển, thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn, PVEP luôn đề cao công tác đảm bảo an toàn, tính mạng, sức khỏe cho những cán bộ, nhân viên, người lao động trên giàn khoan cũng như luôn sẵn sàng hỗ trợ các tàu cá khi cần có sự giúp đỡ.

Trên các giàn khoan của PVEP luôn có ít nhất một cán bộ y tế có chuyên môn, được đào tạo bài bản về cấp cứu, xử lý các chấn thương thường gặp trong lao động và sinh hoạt thường ngày. 

Bên cạnh đó, các cán bộ, kỹ sư trên giàn cũng được đào tạo cơ bản về các kiến thức an toàn, cấp cứu, hỗ trợ người bệnh. Các bác sĩ, cán bộ nhân viên, người lao động trên những giàn khoan luôn sẵn sàng trợ giúp, tận tình cứu chữa, trách nhiệm đối với bệnh nhân.

Điều này thể hiện tấm lòng của những người làm dầu khí trên biển, thể hiện tinh thần "tương thân, tương ái" đối với đồng bào, đặc biệt trong điều kiện làm việc xa đất liền, thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Tinh thần cứu chữa, hỗ trợ người gặp nạn của đội ngũ người lao động PVEP ngoài giàn khoan luôn khẩn trương, nghiêm túc, chính xác như lúc ứng phó các sự cố kỹ thuật trên giàn. 

Di chuyển bệnh nhân lên giàn. Ảnh: PVEP
Mới đây, ngày 15/6 vừa qua, PVEP POC, đơn vị thành viên của PVEP đã tiếp nhận một ca cấp cứu rất nặng. Nạn nhân tên Lương là ngư dân trên một tàu cá bị dây cáp đập vào ngực, gây vết thương hở.

Lãnh đạo trực mỏ Sông Đốc đã cử bác sĩ trên tàu FPSO Song Doc MV19 sang hỗ trợ y tế, tuy nhiên do vết thương sâu, hở đến tim, tình trạng bệnh nhân xấu đi nên lãnh đạo trực mỏ đã xin ý kiến lãnh đạo có hình thức vận chuyển bệnh nhân về đất liền để chữa trị. 

Ngay lập tức, lãnh đạo PVEP POC đồng ý đưa bệnh nhân về bờ bằng máy bay trực thăng, đồng thời cử một bác sĩ từ đất liền cùng với thiết bị y tế cần thiết ra ngoài giàn hỗ trợ cấp cứu.

Bệnh nhân được sơ cứu ngoài giàn rồi đưa vào bờ ngay trong tối 15/6. Sau khi trực thăng hạ cánh, bệnh nhân được chuyển ngay đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM để cấp cứu. 

Mặc dù điều kiện liên lạc khó khăn do khu vực mỏ nằm xa đất liền nhưng lãnh đạo, cán bộ PVEP POC trực mỏ vẫn cố gắng liên lạc, đưa ra quyết định một cách nhanh nhất, tìm cách liên lạc với người nhà bệnh nhân để thông báo tình hình, cử người đến viện chăm sóc cho bệnh nhân cho đến khi người nhà có mặt cũng như quan tâm, thăm hỏi người bệnh sau khi hồi phục.

Còn rất nhiều sự cố, tai nạn ngoài ý muốn ở khu vực hoạt động dầu khí trên biển, với từng trường hợp cụ thể, lãnh đạo, cán bộ, bác sĩ của PVEP POC luôn đề ra cách xử lý nhanh nhất, an toàn nhất vì họ biết hành động của mình liên quan trực tiếp đến tính mạng con người.

Giữa biển khơi muôn trùng sóng gió, việc hỗ trợ, cứu chữa ngư dân gặp nạn trên biển của những người lao động dầu khí là sự chia sẻ lớn lao của các cán bộ, kỹ sư trên giàn. 

Bởi trong bối cảnh khó khăn của đơn vị, từng chuyến thay ca ra giàn được kéo dài, liên lạc với gia đình, người thân bị hạn chế, người lao động có khi phải đổi ca bằng tàu dịch vụ nhưng với những người bệnh cần sự trợ giúp y tế khẩn cấp thì luôn được ưu tiên điều kiện tốt nhất có thể.

Với tinh thần và trách nhiệm của “những người đi tìm lửa”, những người lao động dầu khí trên các giàn khoan luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những đồng bào ngư dân, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn xa bờ và cần sự quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục