Giảng viên 8X truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học cho sinh viên

16:02' - 20/11/2019
BNEWS Giảng viên sinh năm 1982 luôn mong muốn sẽ “truyền lửa” cho các sinh viên, để mỗi sinh viên Bách khoa đều có thể tạo ra một sản phẩm có ý nghĩa.

Tiến sỹ Trần Quang Đức, Giám đốc Trung tâm An toàn an ninh thông tin, giảng viên Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) vừa nhận giải Nhì Giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2019”.

Giảng viên sinh năm 1982 luôn mong muốn sẽ “truyền lửa” cho các sinh viên, để mỗi sinh viên Bách khoa đều có thể tạo ra một sản phẩm có ý nghĩa.

*Nỗ lực nghiên cứu sản phẩm đột phá

Tốt nghiệp Đại học, Thạc sỹ tại Hungary, Trần Quang Đức về “đầu quân” cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ năm 2008. Sau đó, anh tiếp tục ra nước ngoài học tập, hoàn thành luận án Tiến sỹ tại Vương quốc Anh rồi quay trở về trường.

Tiến sỹ Trần Quang Đức, Giám đốc Trung tâm An toàn an ninh thông tin, giảng viên Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Tiến sỹ Trần Quang Đức chia sẻ: "Tôi đã thử làm việc ở môi trường khác, nhưng rồi vẫn quay trở về với Bách khoa, gắn bó với ngôi trường đã 11 năm. Ở đây, tôi luôn cảm thấy gần gũi, được bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ, trao đổi chuyên môn, san sẻ những vấn đề trong cuộc sống. Bên cạnh đó, khi làm việc, tiếp xúc với các bạn sinh viên thông minh, nhiệt tình, đầy sức trẻ, tôi thấy mình năng động hơn".

Nói về sản phẩm vừa đoạt giải Nhì Giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2019”, Tiến sĩ Trần Quang Đức cho biết: Cả nhóm mất khoảng 20 tháng nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Nhóm gồm 13 thành viên, trong đó có 4 giảng viên, một nghiên cứu sinh, một chuyên gia đến từ tổ hợp Công nghệ giáo dục Topica, còn lại là sinh viên, tập trung nghiên cứu giải pháp tăng cường bảo mật cho hệ thống camera an ninh – một hướng đi tương đối khó.

Việc tạo ra một sản phẩm mới, lại có thể giải quyết các bài toán “lỗ hổng” bảo mật toàn diện cho camera không phải đơn giản. Đó là chưa kể, các thành viên mỗi người một công việc riêng nên để sắp xếp thời gian làm việc chung rất khó khăn. Thực tế, có giai đoạn, cả nhóm rơi vào bế tắc, cảm thấy tiềm năng của sản phẩm không được như mong đợi. Nhưng rồi, tất cả các thành viên đều cố gắng, nỗ lực để hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất.

Tiến sỹ Trần Quang Đức kể, có lần giới thiệu sản phẩm (lúc này đã thành hình hài) với một khách hàng, bị vị khách đó nhận xét: “Sản phẩm phục vụ cho mạng nội bộ cũng không cần quá bảo mật!”. Nghe khách hàng nói, lúc đó, anh rất thất vọng. Những tưởng “đứa con tinh thần” chăm chút bao ngày tháng được hoan nghênh, ai dè lại bị “dội gáo nước lạnh”.

Nhưng anh cùng các cộng sự “lắng” lại cảm xúc, tập trung phân tích tiềm năng ứng dụng, suy nghĩ cách tiếp cận và mở rộng phạm vi của sản phẩm không chỉ là mạng nội bộ mà cả mạng internet. Chính nhờ những góp ý đó, sản phẩm được hoàn thiện hơn.

Theo giới chuyên môn, đây là một sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, đi đúng hướng về mặt quản lý nhà nước, rất sáng tạo về công nghệ. Sản phẩm đã được đăng ký sáng chế tại Việt Nam và tiến tới sẽ mở rộng bảo hộ ở nước ngoài.

Vượt qua nhiều ứng viên “nặng ký” trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản phẩm “Giải pháp bảo mật toàn diện cho hệ thống camera an ninh” (DASCAM) của nhóm đã xuất sắc giành giải Nhì Giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2019”.

Ngay từ những vòng thi đầu tiên của Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2019, giải pháp này đã được Hội đồng giám khảo đánh giá cao trong việc giải quyết lỗ hổng đánh cắp dữ liệu của camera. DASCAM được cho là sản phẩm có thể tận dụng được hết những lợi thế của các thiết bị IP camera hiện có trên thị trường, đồng thời cũng khắc chế được những nhược điểm mà các sản phẩm khác không thể làm được.

Với DASCAM, nhóm nghiên cứu không chỉ mong muốn giải quyết được bài toán của Việt Nam mà còn hy vọng có thể hòa chung với dòng chảy công nghệ của thế giới. Để tạo ra một sản phẩm lõi công nghệ rất khó khăn, khi được Ban giám khảo đánh giá cao, cả nhóm rất tự hào và hạnh phúc”.

*“Truyền lửa” cho sinh viên

Tiến sỹ Trần Quang Đức chia sẻ: Từ trước đến nay, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đều có truyền thống tham gia “Nhân tài Đất Việt” và một số bạn đã đạt được những thành tích rất ấn tượng. Khi tham gia cuộc thi, các nhóm dự thi đều mong muốn tiếp nối truyền thống, đóng góp vào thành tích chung của Viện, tạo động lực để các bạn trẻ nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm công nghệ thông tin hữu ích.

Tiến sỹ Trần Quang Đức vừa nhận giải Nhì Giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2019”. Ảnh: TTXVN

Sau niềm vui nhận giải thưởng, Tiến sỹ Trần Quang Đức nói vui: “Hình như thầy được giải quốc gia, các sinh viên nhìn thầy có vẻ… thiện cảm hơn!” Trên thực tế, để vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học đòi hỏi các thầy, cô dành nhiều thời gian, tâm sức. Và để chuyển đổi từ một công trình nghiên cứu ra một sản phẩm là quãng đường tương đối dài.

Hiện một ngày của Tiến sỹ Trần Quang Đức từ 8 giờ đến 19 giờ ở trường. Thứ Bảy, anh cũng lên cơ quan làm việc. Anh luôn cảm ơn gia đình đã thấu hiểu, động viên, tạo điều kiện cho anh toàn tâm toàn ý với công việc. Điều anh luôn nhắc sinh viên là làm gì cũng cần có đam mê, kiên nhẫn theo đuổi. Làm gì cũng cần cẩn thận, suy nghĩ thấu đáo, tổ chức làm việc nhóm một cách khoa học.

Theo Tiến sỹ Trần Quang Đức, người thầy luôn có sức ảnh hưởng lớn với học trò. Khi còn ngồi trên ghế phổ thông, anh thường hay làm bài cẩu thả, chủ quan. Nhưng nhờ thầy Ngọc Anh, người thầy dạy tại Trường Trung học Phổ thông Việt Đức đã giúp anh rèn giũa, trở nên cẩn thận hơn. Đức tính này đã theo anh từ đó đến nay.

Tiến sỹ Trần Quang Đức cũng luôn biết ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Lan, người đã luôn động viên, theo sát anh từ những ngày đầu làm việc tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên anh tham gia chính là đề tài của cô. Khi đó, anh được sống trong môi trường tập thể gồm các sinh viên, giảng viên, cùng nghiên cứu, làm việc. Nhờ đó, anh biết rằng, để đạt được thành công phải có nhiều người chung sức, không thể đi một mình.

Tiến sỹ Trần Quang Đức đã lên kế hoạch thời gian tới tổ chức những buổi giao lưu để giới thiệu cho sinh viên về công trình nghiên cứu của mình, đồng thời, động viên các em với tinh thần “đã là sinh viên Bách khoa cần tạo ra được sản phẩm có ý nghĩa”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục