Giới chuyên gia: Thuế quan sẽ gây thiêt hại cho chính nước áp dụng

22:13' - 14/05/2019
BNEWS Theo Giáo sư về thương mại và đầu tư Robert Lawrence của Đại học Harvard, thuế quan là biện pháp sẽ gây thiệt hại kinh tế cho chính nước áp dụng.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 2, trái, trước) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) tại Washington DC., ngày 10/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN 

Sau khi Mỹ ngày 10/5 quyết định tăng thuế từ 10% lên 25% với 5.700 danh mục hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, Bắc Kinh đã có động thái đáp trả bằng việc tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ kể từ ngày 1/6 – điều có thể đẩy nước này lún sâu vào cuộc chiến thương mại với Washington.

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cao gấp 4 lần so với lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ. Bắc Kinh đã áp thuế “trừng phạt” đối với hầu hết hàng hóa mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, tương đương 110 tỷ USD/năm.

Vì vậy, nếu Trung Quốc tăng thuế quan lên 25% đối với một loạt sản phẩm của Mỹ, trong đó có khí đốt tự nhiên hóa lỏng, hóa chất, rau quả và hải sản thì nước này sẽ không còn nhiều “dư địa” trong hoạt động ngoại thương với Mỹ.

Theo Giáo sư về thương mại và đầu tư Robert Lawrence của Đại học Harvard, thuế quan là biện pháp sẽ gây thiệt hại kinh tế cho chính nước áp dụng.

Trong khi đó, trong thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường cáo buộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT) để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nước này.

Về khả năng Trung Quốc hạ giá đồng NDT để việc đáp trả thương mại đối với Mỹ, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IHS Markit, Rajiv Biswas, cho hay việc tiếp tục giảm giá đồng NDT không phải là một chiến lược khả thi đối với Trung Quốc.

Một ưu tiên chủ chốt đối với Chính phủ Trung Quốc kể từ năm 2015 là ổn định tỷ giá và ngăn chặn tình trạng "thoái vốn" để bảo vệ kho dự trữ ngoại hối.

Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc sẽ không mong muốn kịch bản đồng NDT giảm giá vì có thể dẫn tới tình trạng "thoái vốn" ồ ạt.

Ngoài ra, một kịch bản khác là Trung Quốc cũng có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại nước này thông qua các quy định.

Theo chuyên gia Jake Parker của Hội động Kinh doanh Mỹ-Trung Quốc, các biện pháp này sẽ “nhận được nhiều sự ủng hộ ở Trung Quốc song cũng làm suy giảm hơn nữa niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài.

Còn chuyên cao kỳ cựu Jacob Funk Kirkegaard của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) cảnh báo, nếu Trung Quốc thực hiện biện pháp này thì sẽ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc “leo thang” và có thể dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng.

Trong khi đó Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/5 cam kết sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc "nhanh hơn nhiều" so với mọi người nghĩ. 

Trong các dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, ông Trump nhấn mạnh: "Khi thời điểm thích hợp, chúng tôi sẽ đạt một thỏa thuận với Trung Quốc. Điều đó chắc chắn sẽ diễn ra, nhanh hơn nhiều so với mọi người nghĩ".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục