Giới quan sát thị trường bối rối sau khi giá vàng vượt mốc 2.300 USD/ounce

13:32' - 04/04/2024
BNEWS Đà tăng giá của vàng đã khiến một số nhà quan sát thị trường bối rối. Đặc biệt, điều này diễn ra khi lãi suất thực của Mỹ vẫn cao – một yếu tố thường gây trở ngại cho vàng.
Giá vàng thế giới kéo dài chuỗi tăng kỷ lục sang phiên 4/4 khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.300 USD/ounce, giữa lúc các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất của Mỹ sẽ giảm trong năm nay. Song đà tăng này cũng khiến một số nhà quan sát tỏ ra bối rối.

Theo đó, giá vàng đã có thời điểm chạm mức 2.304,96 USD/ounce trước khi giảm xuống quanh mức 2.290 USD/ounce đạt được trong phiên 3/4. Yếu tố chính nâng đỡ giá vàng là giới đầu tư cảm thấy thoải mái trước sự đảm bảo của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell rằng việc bắt đầu giảm lãi suất “vào một thời điểm nào đó trong năm nay” có thể là phù hợp.

Tuy nhiên, đà tăng giá của vàng đã khiến một số nhà quan sát thị trường bối rối. Đặc biệt, điều này diễn ra khi lãi suất thực của Mỹ vẫn cao – một yếu tố thường gây trở ngại cho vàng.

 
Nhà phân tích thị trường cấp cao Kyle Rodda tại công ty dịch vụ tài chính Capital.Com Inc cho biết nếu giá vàng tiếp tục đà tăng như hiện tại, thị trường chắc chắn sẽ phải trải qua một đợt điều chỉnh. Theo ông, hiện không có một lý do cơ bản rõ ràng và hiển hiện để giải thích cho đà tăng hiện tại của vàng.

Kim loại quý này đã liên tục tăng kể từ giữa tháng 2 – riêng trong tuần này đã lập kỷ lục mới mỗi ngày giao dịch – khi các nhà đầu tư đặt cược rằng vàng sẽ được hưởng lợi khi Fed rồi sẽ xoay trục chính sách.

Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất hạ sẽ khiến đồng USD yếu đi, song lại gia tăng đáng kể sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng . 

Ngoài ra, vàng cũng nhận được sự hỗ trợ bổ sung từ các rủi ro địa chính trị gia tăng, bao gồm cả ở Trung Đông và Ukraine.

Một báo cáo mới nhất do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) tổng hợp cũng cho thấy các ngân hàng trung ương tiếp tục bổ sung lượng vàng nắm giữ trong tháng 2/2024, đánh dấu tháng tích lũy thứ chín liên tiếp. Trung Quốc chiếm vị trí hàng đầu trong hoạt động này, trong khi Ấn Độ và Kazakhstan cũng đẩy mạnh mua vào kim loại quý.

Vàng thường được coi là nơi "trú ẩn an toàn" trong thời điểm kinh tế căng thẳng. Tài sản không sinh lời này cũng được coi là một khoản đặt cược chắc chắn khi lợi suất đang bị kìm hãm bởi chính sách tiền tệ mạnh mẽ – như cắt giảm lãi suất và kích thích kinh tế.

Các ngân hàng trung ương vẫn đang tăng nắm giữ vàng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị. Hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ, đã giúp bù đắp dòng tiền chảy ra khỏi các quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF vàng) trong thời gian qua. Một phần nguyên nhân là do căng thẳng địa chính trị như xung đột tại Ukraine và đại dịch.

Các ngân hàng trung ương đã mua trung bình 1.060 tấn vàng từ năm 2022 đến năm 2023, so với 509 tấn được mua từ năm 2016 đến năm 2019. Sự gia tăng này diễn ra khi Trung Quốc giảm tỷ lệ nắm giữ USD trong dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, một số quốc gia khác như Ba Lan cũng tăng cường dự trữ vàng.

Báo cáo của Goldman Sachs dự báo hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương sẽ vẫn mạnh mẽ nhờ vào việc đa dạng hóa dự trữ của các nền kinh tế mới nổi và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư vào kim loại quý này vẫn chưa hồi phục. Việc các ETF gần đây không mua vào là do lượng nắm giữ vàng đã ở mức cao. Xung đột tại Ukraine và cuộc khủng hoảng của các ngân hàng Mỹ đã thúc đẩy hoạt động đầu tư vàng trong những năm gần đây và lượng vàng nắm giữ vẫn ở mức cao, dù lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ tăng.

Trong lịch sử, những thay đổi trong việc nắm giữ quỹ ETF vàng thường diễn ra khi có những diễn biến khiến nhà đầu tư tránh rủi ro và trong các chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo lượng nắm giữ ETF sẽ tăng lên khi Fed bắt đầu hạ lãi suất.

Tại Trung Quốc, vàng là một trong những tài sản tăng giá mạnh nhất trong năm 2023 trước nhu cầu tìm kênh đầu tư trú ẩn an toàn. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng sự giảm sút của thị trường bất động sản và những lo ngại của nhà đầu tư về thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu bán lẻ vàng tại nước này

Hiện thị trường đang hướng sự chú ý đến báo cáo việc làm của Mỹ dự kiến công bố vào cuối tuần này. Nếu số liệu về tăng trưởng việc làm thấp hơn dự báo, nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất sớm hơn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục