Giữ nghề rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông

10:42' - 12/07/2024
BNEWS Nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời, gắn với hoạt động sản xuất của người dân tộc Mông. Nghề rèn thường được người Mông thực hiện vào khoảng thời gian nông nhàn.

Các sản phẩm rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông rất phong phú và được nhiều người biết như: dao, rìu, liềm, thuổng, cuốc, xẻng...

 

Truyền thống riêng có

Hàng trăm năm nay, nghề rèn của người Mông chủ yếu tồn tại theo hình thức cha truyền con nối. Những nghệ nhân rèn người Mông thường được sinh ra trong những gia đình có nghề rèn truyền thống. Khi sản phẩm định hình, người cha chỉ cho con biết lúc nào có thể tôi để con dao cứng mà không giòn, dẻo dai mà sắc lẹm.

Anh Thào A Lử, xã Tả Phìn, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết, anh biết đến nghề rèn từ khi còn nhỏ. Trong quá trình thực hiện, ông nội và bố đã truyền cho anh những bí quyết của nghề rèn truyền thống. Đến năm 15 tuổi, anh có thể rèn thành thạo các công cụ phục vụ nhu cầu của gia đình, sau đó làm ra các công cụ lao động để bán, mang lại thu nhập cho gia đình. Các vật dụng anh thường rèn là: cuốc, thuổng, cào cỏ, dao..., trong đó chủ yếu là dao. Theo anh Lử, sự khác biệt trong cách rèn của người Mông với các dân tộc khác và cũng là bí quyết trong nghề rèn của người Mông đó là cách tôi luyện với từng công cụ, làm sao để vừa có độ bền, vừa sắc bén.

Để làm ra được một sản phẩm tốt, những nghệ nhân nghề rèn truyền thống dân tộc Mông phải thực hiện nhiều bước, từ chuẩn bị và lấy nguyên liệu đến cắt sắt, thép, sau đó rèn công cụ, tôi, mài, tra cán, làm vỏ đựng đối với dao. Lò rèn của người Mông không cầu kỳ, chỉ cần đắp một ụ đất hoặc kê hai hàng gạch để có thể đốt than, cùng với bễ thổi gió, búa, kìm kẹp sắt, đá mài, đe sắt, chậu đựng nước, thân cây chuối tươi mới chặt, than hoa...

Nguyên liệu rèn nông cụ của người Mông chủ yếu là sắt, gang phế thải, các công cụ bằng kim loại đã cũ hoặc hỏng như nhíp ô tô, khung xe đạp... Tùy mục đích rèn nông cụ mà người Mông lựa chọn nguyên liệu. Đối với nguyên liệu sử dụng đề làm dao, liềm, dao phát, rìu... đồng bào thường sử dụng sắt (nhíp ô tô, lò xo, mảnh bom, thép xây dựng...) là loại sắt có độ dẻo, chống rỉ tốt, tạo ra những sản phẩm vừa sắc bén vừa có độ bền cao.

Ông Cứ A Khua, một nghệ nhân nghề rèn truyền thống ở xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên cho biết, để rèn được một con dao đẹp từ hình dáng cũng như sử dụng tốt, thông thường có hai cách rèn chính. Có người rèn dao từ phần chuôi trước, rồi mới đến phần lưỡi. Có người thì ngược lại, khi rèn được phần lưỡi ưng ý mới trau chuốt đến phần chuôi, đây cũng là cách rèn được áp dụng nhiều nhất. Người Mông quan niệm hình dáng của dao không quan trọng mà quan trọng là ở chất lượng. Hình dáng có thể sửa được nhưng độ sắc ngọt của dao thì chỉ rèn một lần.

Với người Mông, khâu tôi công cụ là quan trọng nhất, đây là công đoạn đánh giá chất lượng dao và tay nghề của người thợ. Đây cũng được coi là bí quyết làm nên sự khác biệt về chất lượng sản phẩm nghề rèn của người Mông với các sản phẩm nghề rèn của các dân tộc khác. Người Mông thường tôi bằng nước muối, bằng dầu nhớt hoặc bằng thân cây chuối tươi. Sau khi đã tôi xong, người Mông sẽ mài hoàn thiện và tra cán cho công cụ.

Theo các nghệ nhân rèn lâu năm, trước đây, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Ngày nay, công nghiệp phát triển với nhiều máy móc hiện đại, nhưng nghề rèn của những thợ thủ công vùng đồng bào người Mông trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn tồn tại. Các sản phẩm rèn của người Mông vẫn nổi tiếng với độ bền, độ tinh xảo bởi truyền thống riêng có.

Gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống

Năm 2023, nghề rèn của người Mông tỉnh Điện Biên đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự và là động lực để mỗi người con của dân tộc Mông tỉnh Điện Biên thêm yêu quý, trân trọng nghề truyền thống được các thế hệ cha ông lưu giữ. Chính quyền địa phương và những nghệ nhân nghề rèn vẫn đang nỗ lực để gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống này. Mới đây, Phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Điện Biên Phủ đã phối hợp với UBND xã Mường Phăng tổ chức lớp tập huấn truyền dạy nghề rèn thủ công truyền thống dân tộc Mông tại bản Lọng Háy.

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết, xã đã phối hợp với các cấp, ngành tổ chức lớp học rèn cho 15 học viên, do các nghệ nhân nghề rèn xã Mường Phăng truyền dạy các công đoạn để làm dao, liềm, thuổng... Kết thúc lớp tập huấn, 100% học viên đã hoàn thành và đạt yêu cầu kế hoạch lớp học đề ra.

Theo ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên, nghề rèn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông là di sản cần bảo tồn nhằm tránh mai một trong sự vận động của cuộc sống đương đại. Thời gian qua, việc lựa chọn di sản này để nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đó là một trong cơ sở để phục hồi nghề rèn truyền thống của người Mông.

Sở đã triển khai việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực Di sản Văn hóa phi vật thể đúng quy định; phát huy vai trò nòng cốt của những người am hiểu và thực hành tốt các công đoạn của di sản; động viên, khích lệ họ tiếp tục trao truyền những phong tục, tập quán tốt đẹp cho thế hệ trẻ; hỗ trợ kinh phí cho Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú truyền dạy văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số.

Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã sưu tầm, trưng bày hình ảnh, hiện vật liên quan tới nghề rèn truyền thống của người Mông; chiếu phim về di sản tại Bảo tàng nhằm giới thiệu, quảng bá tới du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu và có thể trải nghiệm thực hành di sản. Bên cạnh đó, Bảo tàng cử cán bộ nghiên cứu, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, ghi hình các nội dung về quy trình của nghề rèn truyền thống của người Mông để góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống này trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục