Gỡ khó vốn vay doanh nghiệp: Trợ lực từ ngân hàng thương mại

08:00' - 01/06/2024
BNEWS Liên quan vấn đề gỡ khó cho doanh nghiệp vay vốn, phóng viên BNEWS đã có trao đổi với bà Vũ Nam Hương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có chỉ đạo tới các ngân hàng thương mại.

Nhằm tạo thuận lợi cho việc tiếp cận vốn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng thương mại đã xây dựng các gói tín dụng dành cho doanh nghiệp với cơ chế linh hoạt và ưu đãi phù hợp.

Vậy các ngân hàng thương mại đã và đang triển khai thực hiện những gói tín dụng này ra sao để gỡ khó cho doanh nghiệp vay vốn cũng như kiểm soát rủi ro của ngân hàng?

Liên quan vấn đề này, phóng viên BNEWS đã có trao đổi với bà Vũ Nam Hương, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank).

BNEWS: Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có chỉ đạo về việc đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024. Mới đây thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho doanh nghiệp và NHNN đã có chỉ đạo tới các NHTM. Vậy LPBank đã triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thế nào?

Phó Tổng Giám đốc Vũ Nam Hương: Trước sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước về việc đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, LPBank đã nhanh chóng đưa ra những gói chính sách cho doanh nghiệp từ cuối tháng 12/2023. Đến nay, LPBank đã có 5 biện pháp hỗ trợ.

Cụ thể, thứ nhất, đối với các vấn đề liên quan đến ưu đãi lãi suất, hiểu rõ khó khăn của các doanh nghiệp về chi phí vốn vay, LPBank đã có những gói lãi suất ưu đãi 2.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn; gói 5.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; và gói vay 300 tỷ đồng đối với doanh nghiệp thủy hải sản. Đồng thời, LPBank cũng liên tục tung ra nhiều chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp này có cơ hội tiếp cận với vốn vay ngân hàng. 

Thứ hai, LPBank thường xuyên rà soát điều chỉnh, sửa đổi các quy trình và thủ tục nội bộ theo hướng đơn giản hóa , công khai phí và lãi suất cho vay, số hóa quy trình xét duyệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, đảm bảo nguồn vốn đến với khách hàng nhanh chóng, kịp thời.

Thứ ba liên quan đến công tác xử lý gia hạn khoản vay, một số doanh nghiệp cũng có những khó khăn nhất định trong việc cơ cấu nguồn vốn trả nợ ngắn hạn, LPBank đã có những chính sách giảm và giãn các khoản nợ theo đúng quy định của pháp luật để doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn vốn trả nợ ngân hàng.

Thứ tư, dưới góc độ nguồn vốn, LPBank đã tìm kiếm cơ hội về nguồn vốn có lãi suất giá rẻ trên thị trường để có chi phí vốn rẻ cho khách hàng.

Thứ năm, LPBank cũng nâng cao năng lực quản trị điều hành, chủ động tìm kiếm các khách hàng đảm bảo yêu cầu vay vốn của ngân hàng. LPBank mong muốn thực hiện tốt theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện.

 

BNEWS: Thực tế cho thấy, qua một số khảo sát gần đây, dù nguồn vốn có nhiều nhưng việc vay vốn của nhiều khu vực doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được. Nguyên nhân nằm ở đâu thưa bà?

Phó Tổng Giám đốc Vũ Nam Hương: Có bốn nguyên nhân khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Đầu tiên, ở góc độ của doanh nghiệp, một số doanh nghiệp chưa có đủ hồ sơ năng lực đáp ứng yêu cầu phê duyệt tín dụng của ngân hàng. Chẳng hạn như báo cáo tài chính chưa minh bạch, hay các kế hoạch tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp đó chưa rõ ràng.

Thứ hai, liên quan đến khả năng truyền thông, tức là doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa dành thời gian hoặc chưa biết tiếp cận được đúng và đủ đối với các khoản vay.

Thứ ba, việc phê duyệt của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ diễn ra khá lâu, trong khi nhu cầu vốn ngắn hạn của các doanh nghiệp này lại cần nhanh chóng. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp này không thể tiếp cận được.

Cuối cùng, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đáp ứng được quy định về tài sản đảm bảo.

Trước nhưng vấn đề này, LPBank cho rằng cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại để đưa ra các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cán bộ tín dụng ngân hàng cần nâng cao năng lực tư vấn truyền thông với doanh nghiệp nhằm giúp họ nắm bắt được các nhu cầu và cơ hội vay vốn.

Cộng thêm, chính các doanh nghiệp cũng phải nâng cao năng lực quản trị, kinh doanh vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh để có thể nhanh chóng tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng.

BNEWS: Trong thời gian tới, LPBank có giải pháp gì để hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của đơn vị nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro thanh khoản?

Phó Tổng Giám đốc Vũ Nam Hương: LPBank hiện có bộ phận nghiên cứu, phân tích các nhóm khách hàng liên quan đến ngành nghề kinh doanh và địa bàn, nhằm tìm kiếm các khách hàng mục tiêu và thiết kế các gói sản phẩm phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh.

LPBank có bốn gói giải pháp cho vấn đề này. Đầu tiên về vấn đề thiết kế, ngoài việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp vay vốn ngắn, trung và dài hạn, về sản xuất kinh doanh hay dự án đầu tư, LPBank đã có những gói tín dụng đặc biệt liên quan đến các ngành nghề. Chẳng hạn như LPBank vừa ký một hạn mức tín dụng 3.000 tỷ đồng về lĩnh vực nông nghiệp xanh với Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Thứ hai, LPBank liên tục tái cơ cấu chuẩn hóa quy trình phê duyệt tín dụng, đồng thời nâng cao năng lực quản trị rủi ro để đảm bảo việc phê duyệt tín dụng được triển khai nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ nợ xấu giảm trong thời gian tới

Thứ ba là áp dụng chuyển đổi số. LPBank đã hoàn thành thực hiện chuyển đổi và đưa vào sử dụng hệ thống CoreBanking T24 trong tháng 4/2024.

Thứ tư, LPBank cũng tối ưu hóa các nguồn vốn để đảm bảo thanh khoản, quản lý dòng tiền ra vào hướng tới khách hàng, đồng thời cân đối sức khoẻ tài chính của ngân hàng.

BNEWS: Xin cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục