Gỡ “nút thắt” vốn đầu tư công cho Bình Dương

20:46' - 04/07/2022
BNEWS Trước tình hình vốn đầu tư công đang ách tắc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo tập trung gỡ “nút thắt” dồn toàn lực cho những dự án đầu tư công để hoàn thành chỉ tiêu.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, kế hoạch đầu tư công năm 2022 bao gồm cả vốn trung ương và địa phương phân giao cho tỉnh là 8.909 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ 100% kế hoạch vốn cho 316 dự án. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 6, tỷ lệ giải ngân mới đạt 20,5% kế hoạch.

 

Trước tình hình vốn đầu tư công đang ách tắc, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo tập trung gỡ “nút thắt” dồn toàn lực cho những dự án đầu tư công để hoàn thành chỉ tiêu.

“Việc khó không để cấp dưới lo hết mà trách nhiệm cũng thuộc về người đứng đầu gồm cả Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh cũng vào cuộc”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nhấn mạnh tại Hội nghị Đảng bộ tỉnh vừa diễn ra gần đây.
Những “nút thắt”
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân, cho biết so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2017-2021, tốc độ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2022 có phần vượt hơn về cả giá trị và tỷ lệ giải ngân. Xét trong vùng Đông Nam Bộ, tỷ lệ giải ngân của tỉnh xếp thứ 2 sau tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, vẫn thấp so với bình quân cả nước 25,78%.
Ông Nhân cho rằng trong 6 tháng đầu năm, các ngành, các cấp đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân của tỉnh chưa đạt được như kỳ vọng, lượng vốn còn chưa giải ngân khá lớn, tập trung ở các công trình, dự án trọng điểm.
Việc chậm giải ngân có nhiều nguyên nhân, vướng mắc, khó khăn nhưng khâu giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn chính như: trình tự, thủ tục kéo dài, phức tạp, chính sách bồi thường, hỗ trợ không phù hợp với thực tế; việc phối hợp, vận động tuyên truyền người dân bị thu hồi đất chưa hiệu quả, không có quỹ đất bố trí tái định cư, vướng công trình hạ tầng kỹ thuật chưa di dời,...

Hiện, tỉnh có khoảng 46 dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2022 với tổng vốn bố trí 1.700 tỷ đồng đang gặp các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng thi công.
Trong khi đó, việc khảo sát, thiết kế của một số chủ đầu tư, chưa sát thực tế, dẫn đến khi triển khai, phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng, tăng tổng mức đầu tư, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, kéo dài tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án. Ngoài ra, văn bản pháp lý liên quan đến đầu tư xây dựng thường xuyên thay đổi, khi lập dự án, thiết kế dự toán phải cập nhật lại các chi phí theo quy định mới.
Bên cạnh đó, từ cuối tháng 4/2022, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã chấp thuận cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021 sang năm 2022 với tổng số vốn là 3.630 tỷ đồng, bố trí cho 30 dự án. Đến nay, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này mới đạt 2,4% kế hoạch.
Tập trung gỡ vướng

Tại buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nhấn mạnh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm cần được quan tâm nhiều hơn. Cụ thể, tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị, thành phố phải tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thực hiện mục tiêu giải ngân năm 2022 đạt 100%.
Trong đó, phối hợp theo dõi tiến độ, đôn đốc triển khai đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, cấp thiết, có tác động lan tỏa lớn, có khả năng giải ngân nhanh và hấp thụ ngay vào nền kinh tế, bảo đảm khả năng cân đối vốn để hoàn thành dự án trong giai đoạn 2022-2025; đồng thời, ưu tiên hỗ trợ giải phóng mặt bằng đối với một số dự án mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, các dự án được điểm danh cần đẩy mạnh tiến độ triển khai và giải ngân vốn gồm: dự án giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 từ cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị hiện mới giải ngân được 0,6%; Dự án Nạo vét, gia cố tuyến Suối Cái từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai, đến nay giải ngân 53,6%.
Nhóm các dự án thuộc Tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đến nay giải ngân đạt 28%; Dự án Cụm Bệnh viện 1.500 giường kế hoạch vốn năm 2022, đến nay giải ngân đạt tỷ lệ 2,1%...
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các đơn vị chủ đầu tư dự án thường xuyên phân công, kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp kéo dài thời gian thực hiện dự án, do nhà thầu hoặc đơn vị tư vấn năng lực yếu kém. Các chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ, đảm bảo thời gian, các chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất nhằm phục vụ công tác tham mưu, điều hành kế hoạch.
Cùng với đó, tỉnh yêu cầu các địa phương, chủ động phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường để rà soát lại các quỹ đất hiện có, dự báo, để chủ động xây dựng các khu tái định cư, phục vụ cho các công trình, dự án đầu tư công, trên địa bàn; tham mưu Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các công trình trên địa bàn tỉnh, kịp thời báo cáo UBND tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin cho Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các Đoàn thể địa phương, ngay từ khi có chủ trương đầu tư, để chủ động trong công tác dân vận, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; qua đó vận động, nắm bắt tâm tư nguyện vọng để nâng cao sự đồng thuận của người dân bị thu hồi đất…/.

>>>Sức bật từ "bình oxy" đầu tư công


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục