Gợi ý những điểm ăn chơi Tết Nguyên đán 2020 tại Hà Nội

15:24' - 10/01/2020
BNEWS Những điểm vui chơi quen thuộc trong bài dưới đây là gợi ý giúp bạn và gia đình tìm được địa điểm lý tưởng để vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán 2020.

Chợ Tết phố cổ

Chợ Tết phố cổ rực rỡ sắc màu. Ảnh: TTXVN

Phiên chợ Tết phố cổ bán hoa đào, hoa mai, đồ trang trí dọc các con phố từ hàng Cót, hàng Lược, hàng Mã, hàng Chai… Hoa bán trong phố cổ không quá nhiều, không quá lớn vì không gian chật hẹp nhưng vẫn có những đặc sắc riêng. 

Hoa chủ yếu là đào bích, đào phai và người bán cầm hoa luôn trên tay. Bán mua không quá ồn ào, khách mua hoa chủ yếu là những người sống lâu năm trong phố hoặc thích cái không gian ấm cúng, cổ kính ở đây mà đi chợ hoa.

Đi chợ hoa phố cổ cũng không nhất thiết phải mua hoa, mà để cảm nhận cái hương vị của Tết, của Xuân đang đến gần.  Thời điểm này, các khu chợ Tết phố cổ đã bắt đầu nhộn nhịp không khí xuân với đủ các màu sắc rực rỡ. Phố Hàng Mã là khu vực chụp ảnh đẹp nhất bởi các cửa hàng bày bán nào là lồng đèn, bao lì xì, đèn trang trí tết… rất rộn ràng và ấm cúng.

Ngắm và chụp ảnh tại Vườn hoa Nhật Tân

Hoa đào nở bung tại Nhật Tân. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Vườn hoa Nhật Tân là một trong những địa điểm chụp ảnh hấp dẫn nhất ở Hà Nội. Trước đây, vườn hoa Nhật Tân chủ yếu là trồng đào để bán, sau đó, phục vụ nhu cầu chụp ảnh của các bạn trẻ, chủ các vườn đào đã mở rộng cho vào chụp ảnh.

Cho đến nay, vườn hoa Nhật Tân đã trở thành địa điểm chụp ảnh quen thuộc của giới trẻ Hà Thành. Đến với vườn hoa Nhật Tân du khách không chỉ được ngắm hoa, có những hình ảnh đẹp mà cũng có thể chiêm ngưỡng những cây đào cảnh tuyệt đẹp ở nơi đây.

Đón giao thừa ở trung tâm thành phố

Hà Nội sẽ bắn pháo hoa tại tất cả các quận, huyện dịp Tết Nguyên đán. Ảnh: TTXVN

Hàng năm, tới đêm giao thừa tết âm lịch, tại Hà Nội đều có tổ chức bắn pháo hoa trên quy mô lớn đối với nhiều địa điểm khác nhau. Không khí sôi động tại khu trung tâm thành phố như Bờ Hồ, Bưu điện thành phố...  được nhiều người háo hức tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ.  

Vui chơi ở Bảo tàng Dân tộc học

Chơi xuân tại Bảo tàng Dân tộc học. Ảnh: VietnamTourism

Bảo tàng dân tộc học Việt Nam thường tổ chức Hội Vui Xuân Tết với những hoạt động vui chơi bổ ích, những sinh hoạt văn hóa đặc sắc gắn với Tết truyền thống và tập quán mừng năm mới của một số dân tộc ở Việt Nam.

Đến đây các bạn trẻ sẽ được tham gia các trò chơi dân gian trong lễ hội xuân của người dân tộc như đi goòng, chơi quay, ném pao, ném còn…, hay các trò chơi của người Việt như kéo co, đánh đu, đấu vật, pháo đất, nhảy dây, nhảy bao bố, thưởng thức ẩm thực ngày tết. Trẻ em đến chơi xuân có cơ hội làm nhiều loại đồ chơi dân gian như nặn tò he, tô vẽ tranh 12 con giáp, tô vẽ 12 con giáp bằng gốm…

Thưởng thức một bộ phim Tết

Vào dịp Tết, các rạp phim đều mở cửa từ rất sớm (khoảng mùng 2 Tết) và phục vụ rất nhiều phim hay ở nhiều thể loại như hài, tình cảm, hành động, phim kinh dị... Bạn có thể tới các rạp trung tâm như Megastar Vincom Bà Triệu, Platinum The Garden, Lotte Cinema Keangnam...

Ngoài ra, một số rạp mới khác cũng có thể đặt trong danh sách lựa chọn của bạn như Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Rạp Tháng Tám, Royal City, Times City hay Megastar Mipec Tower...

Đi lễ cầu may đầu năm ở Hà Nội

Người dân đi lễ đầu năm tại phủ Tây Hồ. Ảnh: TTXVN

Đi lễ cầu may đầu năm là một nét văn hoá đẹp của người Việt, thời điểm đầu năm là thời điểm mọi người đi cầu bình an cho năm mới, chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Nam của Hồ Tây, là một trong những di tích linh thiêng bậc nhất của Hà Nội với những nét đẹp đặc trưng đã được bảo tồn qua nhiều thời kỳ.

Người dân Hà Nội thường ghé lại chùa Trấn Quốc vào những hôm rằm, mồng một, ngày lễ Tết để cầu bình an, chúc hạnh phúc và tìm kiếm sự thư thái trong tâm hồn sau những ngày làm việc bộn bề, mệt mỏi.

Xin chữ ông đồ trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Rất đông người xếp hàng chờ xin chữ. Ảnh: Đinh Tuấn - TTXVN

Văn Miếu Quốc Tử Giám mở cửa quanh năm nhưng dường như chỉ những ngày đầu Xuân mới tấp nập người ra vào. Các bạn học sinh sinh viên tới đây để cầu mong cho việc học hành trong năm tới suôn sẻ, thi cử đỗ đạt.

Xin chữ đầu năm ở Văn Miếu cũng là một trong những truyền thống lâu đời của người dân thủ đô. Đặc biệt, từ ngày mùng 3, theo quan niệm dân gian là ngày Tết thầy, lượng khách đổ về Văn Miếu rất đông, từ đó đẩy giá trông giữ xe lên ca.

>>>  Năm 2020 sẽ có bao nhiêu ngày nghỉ lễ, tết?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục