Hà Nội bổ sung thực hiện xét nghiệm diện rộng phát hiện SARS-CoV-2

18:29' - 03/09/2021
BNEWS UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch bổ sung thực hiện việc xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 trên địa bàn.
Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh COVID-19, UBND Thành phố Hà Nội đang chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách bài bản, quyết liệt, khoa học và kịp thời.

Theo UBND thành phố Hà Nội, tuần qua trên địa bàn thành phố vẫn ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao (60-80 ca mắc mới/ngày). Đặc biệt đã có nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây. Căn cứ trên nhiều kế hoạch chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội, đặc biệt là Thông báo số 230/TB-VPCP ngày 01/9/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường tại thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch COVID-19, UBND Thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch bổ sung thực hiện việc xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 trên địa bàn.

UBND thành phố Hà Nội xác định mục đích chung là tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa “thời gian vàng” các ngày giãn cách xã hội để thực hiện xét nghiệm nhằm phát hiện, bóc tách kịp thời các trường hợp F0 khỏi cộng đồng để thực hiện cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế; đánh giá lại các khu vực nguy cơ; đánh giá thêm về khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ theo yêu cầu dịch tễ.

Yêu cầu của việc xét nghiệm làm phải huy động mọi nguồn lực để triển khai xét nghiệm diện rộng có trọng điểm trên toàn thành phố, đảm bảo chỉ định xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ, nhóm đối tượng nguy cơ và mở rộng xét nghiệm theo hộ gia đình.

Đảm bảo công tác chuẩn bị chu đáo, toàn diện, chỉ đạo chặt chẽ; phương án lấy mẫu, làm xét nghiệm thống nhất, phù hợp năng lực xét nghiệm trong 24 giờ không để mẫu tồn; đảm bảo công tác hậu cần đầy đủ, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng linh hoạt giữa các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo an toàn khi lấy mẫu, giãn cách phù hợp.

UBND thành phố Hà Nội phân chia đối tượng xét nghiệm COVID-19 theo nhóm nguy cơ. Theo đó, “Nhóm đỏ” là người trong các khu vực các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG, các đối tượng nguy cơ cao căn cứ theo yếu tố dịch tễ, các đối tượng di chuyển nhiều, tiếp xúc nhiều như chuỗi cung ứng, chợ, tham dự sự kiện đông người, công nhân, bảo vệ các tòa nhà, công nhân vệ sinh... và các khu vực nguy cơ cao khác, đối tương nguy cơ cao khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ; thực hiện lấy mẫu theo Công điện số 1168/CĐ- BYT ngày 07/08/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

“Nhóm da cam” là khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh... và các khu vực nằm trong vùng nguy cơ theo Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG, các đối tượng và các khu vực nguy cơ khác theo chỉ định chuyên môn về dịch tễ như khu vực tiếp giáp với khu phong tỏa, các khu chung cư cũ, khu vực ngõ nhỏ mật độ đông dân cư, các khu vực có địa hình phức tạp,...

“Nhóm xanh” là các khu vực có nguy cơ như: chợ, ngõ nhỏ dân cư đông người, địa hình phức tạp, các đối tượng làm việc trong chuỗi cung úng, chợ, công nhân tại khu vực không có dịch trong vùng xanh (khu vực nguy cơ trong “vùng xanh”).

UBND thành phố Hà Nội cũng hướng dẫn các phương pháp, nguyên tắc xét nghiệm để đội ngũ y tế và các quận huyện, xã phường nắm rõ thực hiện.

Thành phố cũng đề ra mốc thời gian và phạm vi thực hiện. Theo đó, xét nghiệm diện rộng có trọng điểm (chiến dịch) đợt cao điểm từ 1/9/2021 đến 5/9/2021, dự kiến số mẫu lấy từ 800 ngàn đến 1 triệu mẫu. Tại khu vực phong tỏa thực hiện xét nghiệm 2 đến 3 ngày/lần. Khu vực nguy cơ cao xét nghiệm 5-7 ngày/lần (tại 12 quận, huyện (Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Thanh Trì, Thường Tín).

Đối với khu vực nguy cơ, xét nghiệm tại các khu vực nguy cơ của các quận, huyện còn lại. Đối tượng nguy cơ là người hay di chuyển nhiều, người làm nhiệm vụ tại các chuỗi cung ứng (như Shipper, lái xe...). Người thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác (người bán hàng tại siêu thị, chợ, tạp hóa...)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục