Hà Nội công bố phương án dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020.

07:00' - 11/04/2018
BNEWS Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã công bố phương án dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2019 - 2020.

Theo phương án dự kiến này, học sinh sẽ phải làm 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán và Ngữ văn, 1 bài thi tổ hợp (gồm 4 môn).

Điểm mới này đã gây không ít lo lắng, băn khoăn cho các bậc phụ huynh đang có con học lớp 8 năm học 2017 - 2018.

Hà Nội công bố phương án dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. Ảnh: TTXVN

Đổi mới dựa trên cơ sở khoa học

Theo phương án dự kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, các bài thi Toán, Ngữ văn sẽ thi theo hình thức tự luận, còn bài thi tổ hợp sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Sẽ có hai tổ hợp: Tổ hợp 1 (Ngoại ngữ, Vật lí, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (Ngoại ngữ, Địa lí, Hóa học và Sinh học). Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố chọn bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3 hàng năm.

Chị Đào Thị Lan Anh, có con đang học lớp 8 trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, việc tăng thêm các môn thi sẽ ngày càng gây áp lực cho học sinh.

Vẫn nghĩ thi vào lớp 10 học sinh chỉ phải thi hai môn Toán và Ngữ văn nên chị đã cho con đi học thêm hai môn học này từ đầu năm lớp 7. “Giờ phương án thi thế này, tôi phải cho con đi học thêm một số môn nữa. Hai môn đã vất vả, giờ thi thêm môn chắc con không còn thời gian để giải trí, vui chơi. Chưa kể, năm đầu áp dụng, chưa biết đề thi khó, dễ thế nào. Tôi thực sự lo lắng”, chị Lan Anh cho biết.

Cùng chung suy nghĩ, chị Trần Thị Bình, có con đang học lớp 8 tại trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) lo ngại: “Hình thức làm bài trắc nghiệm con cũng đã được làm quen trong những năm học lớp 6, lớp 7. Nhưng một bài thi tích hợp cả 4 môn thi thì quả thật quá nặng đối với học sinh”.

Tuy nhiên, qua khảo sát, một số phụ huynh lại cho rằng: “Đúng là thêm môn thi là thêm gánh nặng cho cả nhà trường, phụ huynh và học sinh. Thế nhưng theo tôi, thêm môn thi tổ hợp cũng có mặt tích cực. Đó là ngoài Toán và Ngữ văn, học sinh sẽ phải học đều các môn học khác, không còn tâm lý môn chính, môn phụ. Ngoài ra, khi học ở Trung học phổ thông, học sinh sẽ không phải vất vả lấp lỗ hổng kiến thức của các môn học khác”.

Về những lo lắng phải cho con đi học thêm nhiều môn để đáp ứng kỳ thi, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội cho biết, khi quyết định phương án tuyển sinh, Sở đã tính đến điều này. Áp lực dạy thêm, học thêm xuất phát từ áp lực thi và định dạng đề thi.

Do đó, khi ra đề, Sở sẽ chú trọng tính chất khoa học bằng hình thức trắc nghiệm khách quan, định dạng đề thi phù hợp, không đánh đố để học sinh chỉ cần học chuyên cần, chăm chỉ là đã có thể làm tốt bài thi mà không cần phải học thêm.

Ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội) cho biết, việc thi thêm bài thi thứ 3 là bài thi Tổ hợp nhằm mục đích tránh sự học lệch của học sinh, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện ở các cấp học dưới.

Bài thi tổ hợp với mục tiêu dần tiếp cận chương trình sách giáo khoa mới “theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên”.

Bên cạnh đó, bài thi tổ hợp nào cũng có môn Ngoại ngữ, điều này nhằm nâng cao năng lực Ngoại ngữ của học sinh, đáp ứng đề án nâng cao chất lượng dạy học Ngoại ngữ ở trường phổ thông. Trong bài thi tổ hợp, ngoài môn Ngoại ngữ, 3 môn còn lại vừa có môn tự nhiên, vừa có môn xã hội, điều này đảm bảo tính công bằng, khách quan đối với học sinh.

Trước khi đưa ra phương án này, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội đã trưng cầu ý kiến của cha mẹ học sinh và nhận được gần 700 ý kiến từ nhiều năm trở lại đây.

Đồng thời, Sở cũng dựa trên ý kiến đề xuất của hầu hết các Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở trong các hội nghị, hội thảo về xây dựng phương án tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông từ năm học 2019 - 2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội tổ chức.

Thay đổi để học sinh phát triển bản thân

Theo ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, những năm qua, phương thức “Kết hợp thi tuyển với xét tuyển” để tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông không chuyên được áp dụng tại Hà Nội từ năm học 2005 – 2006, đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Học sinh học lệch các môn, chỉ tập trung vào học môn Ngữ văn và Toán, các môn còn lại học sinh chưa tập trung học, chưa đảm bảo được mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc Trung học cơ sở.

Thêm vào đó, theo phương thức cũ, khâu xét tuyển dựa vào việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở bậc Trung học cơ sở chưa thật sự khách quan do việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của mỗi giáo viên.

Ngoài ra, việc đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh giữa các nhà trường cũng khác nhau.

Tán thành với phương án thi tuyển vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định, việc thay đổi sẽ buộc các nhà trường phải có phương án giảng dạy đồng đều ở tất cả các môn học.

Điều này giúp học sinh phải học toàn diện các môn học và phát triển bản thân nhiều hơn. “Theo tôi, bài thi tổ hợp cần có nhiều câu hỏi tư duy để học sinh phải tự tư duy kết hợp với thực tiễn. Điều này các em không thể tìm thấy ở các lớp học thêm vì không ai dạy các em tư duy cả”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng, phương án thi tuyển có môn Tổ hợp sẽ phát huy tối ưu tính tự giác của học sinh trong việc tìm hiểu, rèn luyện, tổng hợp kiến thức của các môn học, mà không cần phải đi học thêm.

Thực tế, nhà trường đã áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan trong một số môn học từ vài năm trở lại đây.

Do đó, về phía nhà trường và học sinh, hình thức làm bài không có gì mới, không gây bỡ ngỡ và lo lắng cho học sinh.

Bày tỏ tin tưởng về sự thay đổi này, ông Nguyễn Thiên Sơn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kim Liên, cho biết: “Mọi năm, hầu như các trường Trung học cơ sở chỉ tập trung cho học sinh học 2 môn Toán và Ngữ văn. Vì thế, khi tiếp nhận học sinh, các em chỉ giỏi ở hai môn học đó, còn những môn khác khá kém, thậm chí không nắm được kiến thức cơ bản. Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố phương án thi trước 1 năm là rất thuận lợi cho việc chuẩn bị tâm thế cho nhà trường, phụ huynh và học sinh, từ đó có giải pháp giảng dạy và ôn tập kịp thời”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục