Hà Nội huy động sức dân khắc phục ô nhiễm môi trường ao, hồ

08:15' - 07/12/2017
BNEWS Người dân đều nhận thức sâu sắc rằng, cải tạo ao, hồ chính là làm sạch môi trường sống, bảo vệ gia đình mình khỏi bệnh tật nên đã tham gia hưởng ứng tích cực...", Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa cho biết.
Hà Nội huy động sức dân cải tạo, phục hồi môi trường ao, hồ. Ảnh Mạnh Khánh - TTXVN

Thanh Trì là địa phương có diện tích ao, hồ lớn nhất thành phố Hà Nội. Trước năm 2016, nhìn chung các ao, hồ trên địa bàn huyện Thanh Trì đều bị ô nhiễm môi trường phát mùi hôi thối, nguồn gốc sinh ra một số bệnh tật tại địa phương.

Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của ao, hồ trong điều hòa tiểu khí hậu, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, huyện Thanh Trì đã lập kế hoạch huy động sức dân chung tay, góp sức cải tạo hồi sinh hàng chục ao, hồ trên địa bàn.

Theo đó, từ đầu năm 2017 đến nay, huyện Thanh Trì đã huy động sự đóng góp của nhân dân được hơn 12 tỷ đồng để cải tạo hàng chục ao, hồ trên địa bàn. Điển hình, ao Trạ ở thôn 3, xã An Mỹ rộng hàng chục ngàn mét vuông từng được coi là “ao chết”, do tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới môi trường sống xung quanh.

Từ năm 2016, trong quá trình thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, người dân thôn 3 đã đóng góp công sức, tiền để nạo vét, kè cứng, làm đường ven bờ, có rãnh thoát nước và bồn hoa, cây xanh xung quanh.

Xã Hưu Hòa có ba ao bị ô nhiễm, địa phương này cũng huy động sức dân để làm sạch trong năm 2017. "Người dân đều nhận thức sâu sắc rằng, cải tạo ao, hồ chính là làm sạch môi trường sống, bảo vệ gia đình mình khỏi bệnh tật nên đã tham gia hưởng ứng tích cực...", Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa Tưởng Văn Chúc cho biết.

Người dân tích cực cải tạo, phục hồi môi trường ao, hồ. Ảnh Mạnh Khánh - TTXVN

Theo ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, để cải tạo ao, hồ và môi trường nói chung, huyện đã xây dựng "Đề án nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường huyện đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020". Với những ao, hồ đã cải tạo, huyện cho thực hiện trồng cây cảnh, cây hoa, thả thủy sinh để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp hơn.

Ông Đặng Đức Quỳnh cho biết thêm, không chỉ cải tạo môi trường ao, hồ, huyện Thanh Trì còn tổ chức làm sạch những dòng sông lớn chạy qua địa bàn như: Sông Nhuệ, sông Tô Lịch.

Huyện đã huy động toàn bộ 6 xã, thị trấn có hai dòng sông trên chảy qua, tập trung nhân lực, vật lực nạo vét được 2.000m3 rác và đất thải...để khơi thông dòng chảy. Hiện một số khúc sông Tô Lịch chảy qua địa bàn Thanh Trì đã trong sạch trở lại, người dân có thể thả lưới, kéo vó bắt cá.

Mới đây tại buổi làm việc với huyện Thanh Trì về xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã đánh giá cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, huy động sức dân trong xây dựng, bảo vệ môi trường, trở thành điển hình của thành phố về làm sạch ao, hồ.

Thời gian tới, thành phố sẽ nhân rộng cách làm của huyện Thanh Trì để các địa phương khác trên địa bàn Thủ đô nghiên cứu, học tập./.

>>> Bắt quả tang doanh nghiệp xả trộm nước thải ra môi trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục