Hà Nội: Kiến nghị cử tri là cơ sở chọn nội dung giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp

19:40' - 07/08/2018
BNEWS Kiến nghị cử tri là cơ sở để HĐND thành phố Hà Nội lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp, giải trình giữa các phiên của kỳ họp, phục vụ công tác kiểm tra.

Nhằm thảo luận, làm rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của các Ban Hội đồng nhân dân (HĐND) trong việc tổng hợp, theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị cử tri và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cùng kinh nghiệm thực tiễn của HĐND các quận, huyện, thị xã, chiều 7/8, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị chuyên đề “Trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng tổng hợp, theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị cử tri về lĩnh vực kinh tế ngân sách, đô thị của địa phương”.

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội, qua các buổi tiếp xúc cử tri cho thấy, đa số ý kiến cử tri tập trung vào lĩnh vực kinh tế ngân sách và đô thị: Tại kỳ họp thứ 4, HĐND thành phố Khóa 15 (tháng 7/2017) có 195/297 kiến nghị, chiếm 65,7% tổng số kiến nghị; con số này ở kỳ họp thứ 5 (tháng 12/2017) là 153/229, chiếm 66,8% và tại kỳ họp thứ 6 (tháng 7/2018) là 165/227 kiến nghị, chiếm 72,7%. Sự quan tâm của cử tri đòi hỏi HĐND các cấp phải có cách làm hiệu quả, mà trước hết là trong hoạt động tổng hợp, theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị cử tri.

Tại hội nghị, đại diện HĐND các quận, huyện, thị xã đề nghị HĐND thành phố tiếp tục tổ chức các hội nghị chuyên đề, đặc biệt là tập huấn kỹ năng, kinh nghiệm của thành viên các Ban HĐND, đáp ứng nhu cầu đổi mới hoạt động của HĐND các cấp; tăng cường phân cấp, ủy quyền để trả lời, giải quyết kịp thời ý kiến cử tri; tiếp tục kiến nghị các cấp ủy đảng quan tâm công tác tổng hợp, theo dõi kiến nghị cử tri; đồng thời nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các đại biểu HĐND trong quá trình tiếp xúc cử tri.

Chia sẻ kinh nghiệm tổng hợp kiến nghị cử tri về lĩnh vực đô thị, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm cho biết, là một quận mới thành lập với tốc độ phát triển đô thị lớn, trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm hiện có 104 nhà chung cư, 148 dự án đang giải phóng mặt bằng với hàng nghìn hộ dân, bởi vậy HĐND quận nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về các vấn đề đô thị.

Sau mỗi buổi tiếp xúc cử tri, HĐND quận giao cho ban Kinh tế- Xã hội và ban Pháp chế phối hợp với Văn phòng HĐND quận tổng hợp, phân loại kiến nghị cử tri theo các lĩnh vực: Kinh tế, giải phóng mặt bằng, đất đai... Kết thúc quá trình tổng hợp, HĐND quận lựa chọn các vấn đề “nóng” để giám sát hoặc chất vấn tại kỳ họp gần nhất với tinh thần theo dõi kiến nghị cử tri đến cùng.

Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm khẳng định, khi tổng hợp kiến nghị cử tri phải có bảng biểu chi tiết, phân loại rõ ràng. HĐND thành phố nên nghiên cứu phần mềm giải quyết đơn thư của cử tri với tính năng nhắc nhở, cảnh báo để việc tổng hợp, theo dõi kết quả giải quyết kiến nghị cử tri được kịp thời, hiệu quả hơn.

Chung ý kiến với Chủ tịch HĐND quận Bắc Từ Liêm, ông Nguyễn Tiến Thuận, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, HĐND quận Hoàng Mai chia sẻ một “sáng kiến” của quận, đó là việc tiếp xúc cử tri qua kênh tin nhắn.

HĐND quận Hoàng Mai công khai số điện thoại đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử quận, người dân có ý kiến có thể nhắn tin ngay vào số điện thoại này. Nhờ đó, HĐND quận có thể nắm bắt, góp phần giải quyết sớm bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của cử tri.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại diện HĐND các quận, huyện, thị xã, bà Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND thành phố Hà Nội khẳng định, công tác tổng hợp, theo dõi kiến nghị cử tri có vai trò quan trọng.

Đây là cơ sở để HĐND thành phố lựa chọn nội dung giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp, giải trình giữa các phiên của kỳ họp, phục vụ công tác kiểm tra, đồng thời là cơ sở quan trọng để xác định nội dung tiếp xúc cử tri chuyên đề.

Qua hội nghị, đại diện HĐND các quận, huyện, thị xã đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay, cách làm tốt, nhận diện rõ những hạn chế, khó khăn trong công tác tổng hợp, phân loại, theo dõi, đôn đốc trả lời kiến nghị cử tri nói chung, kiến nghị cử tri thuộc lĩnh vực kinh tế ngân sách và đô thị nói riêng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của HĐND các cấp, củng cố niềm tin của nhân dân, cử tri đối với chính quyền địa phương cũng như hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị vượt cấp, kiến nghị nhiều lần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục