Hà Nội lấy ý kiến phân vùng hạn chế xe máy, thu phí phương tiện vào nội đô

12:03' - 25/10/2019
BNEWS Ngày 25/10, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng 2 Đề án liên quan đến về phân vùng hạn chế xe máy và thu phí phương tiện vào nội đô.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Ngày 25/10, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng 2 Đề án: "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" và "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030".

Hội thảo nhằm làm rõ sự cần thiết, mục tiêu, yêu cầu, nội dung và các vấn đề cần giải quyết khi xây dựng 2 đề án với sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý… và các cơ quan truyền thông.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có lượng xe cộ tham gia giao thông lớn, đặc biệt là khu nội đô và các đường vành đai với trên 6,6 triệu phương tiện. Dự báo còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm tiếp theo.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, đây là 2 đề án quan trọng nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đây là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến cuộc sống của đại bộ phận nhân dân trong và ngoài thành phố cũng như đụng chạm đến các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội.

Vì vậy, quá trình nghiên cứu đề xuất xây dựng đề án có rất nhiều ý kiến khác nhau. Thông qua hội thảo này, Sở Giao thông Vận tải lấy ý kiến để xây dựng đề án với mục tiêu đề xuất được các giải pháp khả thi nhằm giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Các ý kiến tại hội thảo đã làm rõ một số nội dung liên quan đến khu vực thu phí, đối tượng thu phí, biện pháp thu phí, các điều kiện cần thiết để thực hiện thuy phí, các giải pháp hỗ trợ nhằm giảm tác động bất lợi cho nhân dân khi thu phí; lộ trình thực hiện thu phí. 

Lấy ý kiến về phạm vi phân vùng hạn chế hoạt động xe máy; điều kiện cần thiết để dừng hoạt động của xe máy; lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy cho đến năm 2030.

Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Giao thông Vận tải Lê Đỗ Mười cho biết, việc lựa chọn vành đai hạn chế hoạt động xe máy sẽ căn cứ điều kiện phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và vận tải hành khách công cộng sẽ tiến hành lựa chọn vành đai hạn chế hoạt động xe máy phù hợp.

Việc dừng hoạt động xe máy theo lộ trình chỉ được thực hiện khi năng lực vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng 60,5 – 64,8% và đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông.

“Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2030 sẽ lựa chọn các tuyến phố và các khu vực có thể thực hiện việc dừng hoạt động xe máy khi đảm bảo các điều kiện đặt ra. Việc cấm hoạt động xe máy chỉ được thực hiện khi đủ điều kiện hạ tầng và có phương tiện vận tải công cộng thay thế, chứ chưa thể cấm ngay trong nay mai.”, ông Lê Đỗ Mười cho biết.

Tại Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào", phạm vi thu phí được xác định theo đường vành đai khép kín trong địa bàn thành phố Hà Nội.

Việc lựa chọn vành đai thu phí sẽ dựa trên các kết quả đánh giá tác động giao thông trong quá trình xây dựng đề án; đối tượng thu phí là ô tô đi vào khu vực thu phí (trừ các loại xe được miễn theo quy định); nghiên cứu đề xuất chính sách miễn giảm đối với người dân có ô tô trong kh vực thu phí.

Bên cạnh đó, mức thu phí được tính toán dựa trên đáp ứng việc tổ chức quản lý hoạt động thu phí (hoạt động phi lợi nhuận).

Mức thu cụ thể được tính toán phân bổ theo hướng tăng dần đối với các loại ô tô có nguy cơ cao gây ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, các loại phương tiện giao thông cá nhân và các loại phương tiện giao thông có mức xả khí thải nguy cơ ô nhiễm cao;…

Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội đề xuất 9 giải pháp phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân trong khu vực hạn chế xe máy, trong đó tăng cường chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đổi mới về phương tiện, lộ trình hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ… thu hút hành khách đi xe buýt. 

Tiến sỹ Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh Văn phòng - Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, dưới góc nhìn của văn hóa giao thông đô thị, đề án phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn vào năm 2030 là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với các tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ của văn hóa giao thông đô thị.

"Điều kiện loại bỏ xe máy không phải là lộ trình thời gian mà là tạo nên sự hội tụ đầy đủ các điều kiện để loại bỏ nó. Cần phải chỉ ra giải pháp học sinh đến trường bằng cách nào, giải pháp cung cấp hàng hóa, thực phẩm cho nhân dân nội thành trong điều kiện kinh tế hiện tại.

Có nghĩa là điều kiện để loại bỏ xe máy không chỉ là có phương tiện vận tải hành khách công cộng thay thế mà có liên quan đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô", Tiến sỹ Khương Kim Tạo nhấn mạnh.

Đại diện Vụ Môi trường - Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, đề án cần nghiên cứu đưa ra mức phí theo nguyên tắc nộp phí công bằng, phương tiện nào xả nhiều khí thải khi tham gia giao thông, tiêu thụ nguyên liệu nhiều hơn thì đối tượng đó sẽ phải nộp phí cao hơn.

Phạm vi thu phí cũng cần được nghiên cứu kỹ, muốn đưa ra được phạm vi thu phí cần chỉ rõ khu vực hay phạm vi thường xuyên bị "ùn tắc" kèm theo số liệu về ô nhiễm môi trường khu vực đô thị thì mới thuyết phục, không thể khoanh vùng khu vực thu phí không không có số liệu cơ sở./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục