Hà Nội linh hoạt ứng phó, không làm gián đoạn việc dạy và học

17:06' - 15/02/2022
BNEWS Từ ngày 8/2, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên toàn thành phố Hà Nội và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở các huyện, thị xã đã trở lại trường học.

Bên cạnh sự vui mừng, háo hức của phụ huynh và học sinh thì ngay trong những ngày đầu, nhiều trường đã phát hiện nhiều giáo viên, học sinh là F0, F1.

 

Các nhà trường đã phối hợp với cha mẹ học sinh để khắc phục khó khăn, khẩn trương ứng phó linh hoạt với dịch bệnh, hạn chế tối đa sự xáo trộn việc dạy và học.

Ứng phó linh hoạt, hạn chế xáo trộn

Chỉ 3 ngày sau khi đến trường học trực tiếp, em Dương Yến Trang, học sinh lớp 9A4, Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) đã trở thành F1 của 1 bạn học cùng lớp.

Cùng với hơn 10 học sinh khác trong lớp, Yến Trang đã buộc phải quay trở lại học trực tuyến như trước đây. Con số F0, F1 của lớp vẫn chưa dừng lại, có những buổi học, lớp chỉ còn chưa đến một nửa số học sinh học trực tiếp.

Sau khi nhận thông báo từ gia đình học sinh là F0, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A4 Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân đã lọc danh sách F1 là các học sinh tiếp xúc gần với em này để chuyển các em sang học trực tuyến tại nhà. Sau 7 ngày, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, các em sẽ đi học lại.

“Phòng học có học sinh F0 sẽ được khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo an toàn cho học sinh khi quay trở lại sau khi đi học tạm ở một phòng học khác do nhà trường bố trí. Trong thời gian đó, giáo viên sẽ kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến, không làm gián đoạn việc học của học sinh”, cô Phạm Thị Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A4 chia sẻ.

Không chỉ có học sinh là F0, F1, nhiều trường đã phát hiện các giáo viên liên quan đến yếu tố dịch tễ, phải dạy học trực tuyến. Như tại Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai), có buổi học, giáo viên của cả 5 tiết đều liên quan đến yếu tố dịch tế, không thể đến trường.

Ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định cho biết, trường đã khẩn trương ứng phó linh hoạt theo đúng hướng dẫn liên ngành Y tế - Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, bình tĩnh xử lý các tình huống, tránh gây hoang mang cho phụ huynh và học sinh, đồng thời hạn chế tối đa xáo trộn việc dạy và học. Đối với lớp có học sinh là F0, nhà trường lấy danh sách các F1 để chuyển sang học trực tuyến.

Nếu lớp có giáo viên của cả 5 tiết liên quan đến yếu tố dịch tế, trường thông báo kịp thời để tất cả học sinh lớp đó không phải đến trường mà ở nhà học trực tuyến ngày hôm đó, hôm sau lại đến trường học trực tiếp các môn khác.

Nhà trường - phụ huynh nỗ lực duy trì dạy và học

Việc chuyển học trực tiếp - trực tuyến liên tục cũng khiến nhiều gia đình bối rối. Nhiều phụ huynh chia sẻ mong muốn con được đi học để tránh xa các thiết bị điện tử và có cơ hội học tập, giao lưu, phát triển toàn diện song lại e ngại trước nguy cơ lây nhiễm hiển hiện khi con đến lớp.

Chị Đinh Tuyết Mai (Long Biên) lo ngại khi lớp của con thông báo có học sinh F0. Con của chị trở thành F1 và phải chuyển sang học trực tuyến. Không quá lo về việc học trực tuyến do đã quá quen thuộc nhưng gia đình lại băn khoăn, khi hết thời gian tạm nghỉ và trở lại lớp, con mình vẫn phải đối diện với nguy cơ trở thành F0, F1 bất cứ lúc nào.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Mỹ Hảo, sau một tuần đón học sinh trở lại trường, việc học trực tiếp kết hợp với trực tuyến ở một số lớp có học sinh F0 đôi khi chập chờn do đường truyền mạng internet không ổn định, gây quá tải. Điều này đã phần nào gây khó khăn cho các học sinh học trực tuyến tại nhà. Trường đã lắng nghe, tiếp thu các phản ánh từ phụ huynh, học sinh và có sự điều chỉnh kịp thời.

Ngay đầu tuần thứ hai học sinh trở lại trường, trường đã lắp đặt thêm các thiết bị để nâng chất lượng đường truyền. Đến nay, hình ảnh, âm thanh từ các lớp đến học sinh học trực tuyến đã rõ nét, đảm bảo cho việc dạy và học.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, Sở đã yêu cầu các trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Trong việc dạy song song cả trực tuyến và trực tiếp, các trường cần nghiên cứu để có phương pháp phù hợp, đảm bảo thuận lợi cho giáo viên và học sinh.

Đồng thời quan tâm hỗ trợ học sinh, tránh gây hoang mang cho phụ huynh và học sinh; sử dụng hiệu quả thời gian học sinh đến trường để dạy các nội dung cốt lõi, tránh gây quá tải đối với các em./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục