Hà Nội mở rộng thị trường xuất khẩu rau, quả

18:00' - 24/03/2023
BNEWS Là địa phương có truyền thống sản xuất rau nên năng suất rau trồng trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn ổn định, có xu hướng tăng do người sản xuất chú trọng đầu tư thâm canh và bảo vệ sản xuất.

Với tiềm năng như vậy, rất thuận lợi để Hà Nội mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả.

 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng để mở rộng thị trường xuất cần có chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật…

Đặc biệt là tích cực đổi mới phương thức canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chế biến rau quả, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, Hà Nội đã phát triển nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở đô thị và xuất khẩu.

Những năm qua, thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh các vùng nông nghiệp chuyên canh nhằm tạo nguồn nguyên liệu có sản lượng lớn để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với 35 vùng lúa, 104 vùng rau, 56 vùng cây ăn quả, 66 vùng nuôi trồng thủy sản, 162 vùng chăn nuôi trọng điểm, tập trung.

Hà Nội là một trong những địa phương có tiềm năng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực- ông Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.

Cụ thể, trong năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 1,75 tỷ USD; trong đó hàng nông sản thực phẩm đạt 871 triệu USD, tăng 12,2%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 883 triệu USD, tăng 17,5%. Một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội, có chất lượng cao và xuất khẩu đi các nước, như: nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) xuất khẩu sang Đức; rau Văn Đức (huyện Gia Lâm) xuất khẩu Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...

Đối với giống nhãn chín muộn Hà Nội chủ yếu trồng giống: HTM1 và HTM2, có thời gian thu hoạch khoảng từ 20/8 đến 30/9, không trùng với khung thời vụ các loại nhãn khác.

Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 600ha nhãn chín muộn, sản lượng từ 8.000-10.000 tấn, bình quân đạt từ 300-400 triệu đồng/ha, nhiều nhà vườn đạt từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. So với nhiều tỉnh khu vực phía Bắc, diện tích nhãn của Hà Nội không lớn, nhưng những giống nhãn đang trồng đều cho chất lượng tốt, bán được giá cao…

Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quốc Oai cho biết, nhãn chín muộn được trồng tại xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) với 115ha, ước tính cho sản lượng trung bình 2.500 tấn/năm, đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng.

Sản phẩm nhãn tươi của địa phương đã từng được xuất khẩu sang Mỹ, Australia và Malaysia. Với năng suất bình quân 22 tạ/ha và giá bán trung bình từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, mỗi ha nhãn chín muộn cho thu lãi trên 300 triệu đồng.

Ngoài nhãn chín muộn, Hà Nội còn phát triển vùng trồng bưởi để xuất khẩu đi các nước như Mỹ, các nước châu Âu… Hay các vùng trồng chuối để xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…. cho thu nhập vài trăm đến cả tỷ đồng một năm.

Anh Sái Văn Triệu, một trong những hộ có diện tích trồng chuối lớn nhất tại xã Hoàng Kim, huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, gia đình anh đang trồng 70ha chuối tây chuyên xuất khẩu sang Trung Quốc. Trung bình mỗi năm, gia đình anh Triệu thu hoạch và xuất bán 280 tấn chuối, trừ các khoản chi phí, cho thu lãi 1 tỷ đồng.

Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dự báo năm 2023, rau quả tiếp tục có nhiều lợi thế xuất khẩu với kỳ vọng kim ngạch sẽ vượt con số 3,34 tỷ USD năm 2022 để cán mốc 4 tỷ USD.

Riêng trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 592 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, Trung Quốc vẫn là thị trường chính, chiếm 57,5%; tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Để đẩy mạnh xuất khẩu rau quả trong năm 2023, các tỉnh cũng như Hà Nội cần nhanh chóng thích nghi và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định từng quốc gia; mở rộng cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho nhiều mặt hàng...

Theo các chuyên gia nông nghiệp, Hà Nội rất có tiềm năng trong xuất khẩu rau, củ, quả, nhưng để mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như thành phố Hà Nội cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã về ứng dụng công nghệ trong sản xuất rau quả an toàn, hữu cơ, phát triển các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản theo quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Ông Lê Xuân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, để phục vụ nhu cầu chế biến và xuất khẩu, Hà Nội đã được cấp và đang duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 300ha; trong đó, 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi Diễn phục vụ xuất khẩu.

Đây là điều kiện cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến những mặt hàng chủ lực phục vụ xuất khẩu.

Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, mới đây, qua chương trình trao đổi, hợp tác với ngành nông nghiệp Mỹ, nhiều giống bưởi đặc sản của Hà Nội được đánh giá cao bởi chất lượng thơm ngon, vượt trội.

Qua đối chiếu với các quy định nhập khẩu của Mỹ, thời gian tới, Hà Nội tập trung phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại các vùng sản xuất bưởi tập trung có đủ điều kiện xuất khẩu để mở rộng thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng.

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động nông dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Hiện nay, nhiều hộ sản xuất đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, quy hoạch vườn trồng tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường xuất khẩu rau, củ, quả, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về các quy định về bảo đảm chất lượng, kiểm soát thực phẩm xuất, nhập khẩu; tuyên truyền về các hiệp định FTA, các rào cản thị trường nước ngoài…

Mặt khác, hỗ trợ các cơ sở chế biến sản phẩm nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal...) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu và thị trường trong nước.

Do đó, để mở rộng thị trường xuất khẩu, người sản xuất và doanh nghiệp cần tích cực đổi mới phương thức canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh chế biến rau quả, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị nông sản./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục