Hà Nội sẽ trồng mới 500.000 cây xanh và chỉnh trang đô thị

11:41' - 07/02/2023
BNEWS Những ngày đầu xuân năm mới Quý Mão 2023, các địa phương trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đang sôi nổi hướng ứng phong trào trồng cây.

Có thể nói, đây là công tác thường xuyên, liên tục của thành phố Hà Nội trong nhiều năm qua và đã có nhiều kết quả tích cực, giúp cho Hà Nội xanh, sạch, đẹp.

 

Thành phố Hà Nội đang hoàn tất dự thảo Quy định về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Kế hoạch thành phố sẽ trồng mới 500.000 cây xanh đô thị trong giai đoạn 2021 - 2025.

Thành phố đang đôn đốc UBND các quận huyện, thị xã, các đơn vị quản lý duy tu duy trì cây xanh theo phân cấp, thường xuyên kiểm tra hệ thống cây xanh, kịp thời thay thế cây sâu mục, chết, nguy hiểm, căt tỉa cây nặng tán, cây có cành ảnh hưởng đến giao thông nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh tạo không gian xanh, cảnh quan xanh. Năm 2022, toàn thành phố trồng được hơn 60.000 cây đô thị, cây bóng mát; ngoài ra còn trồng được 30.603 cây bụi, đơn lẻ, khóm các loại và 255.488 m2 cây mảng, thảm cỏ.

UBND thành phố chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tăng cường kiểm tra, xử lý cắt tỉa hạ độ cao, chặt hạ cây nguy hiểm, gia cố cọc chống, cắt tỉa tán cây mới trồng trong mùa mưa bão năm 2022.

Khối lượng cắt tỉa cây bóng mát trên toàn địa bàn Thành phố là 288.000 cây, trong đó cấp Thành phố cắt tỉa được 191.000 cây, cấp huyện cắt tỉa được 97.000 cây.

Song song với việc trồng cây xanh, thành phố tập trung vào công tác chỉnh trang hè, đường phố, hạ tầng kỹ thuật đô thị. Các quận đã chủ động tổ chức triển khai chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn.

Thành phố đã triển khai dự án chỉnh trang cảnh quan, kiến trúc các tuyến đường chính phục vụ SEAgame 31 và duy tu, duy trì các tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông trong dịp Têt.

Tăng cường giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; tháo dỡ mái che, mái vây, biển quảng cáo, sắp xếp các bảng, biển chỉ dẫn giao thông, biển các cơ quan đơn vị làm ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Thành phố tổ chức rà soát quy hoạch, nghiên cứu, xây dụng các cơ chế nhằm đẩy nhanh việc đầu tư hệ thống công viên, cây xanh theo phương thức xã hội hóa... Thành lập Đoàn kiểm tra, xây dựng kế hoạch kiểm tra và tổ chức kiểm tra công tác đầu tư xây dựng tại 12 công viên.

Đồng thời, đôn đốc 6 quận gồm: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên tổ chức triển khai thực hiện các công viên, vườn hoa trên địa bàn. Chăn nuôi, chăm sóc đàn chim thú phát triển tốt tại Vườn thú Hà Nội, hoàn thành việc tiếp nhận 8 cá thể hổ từ UBND tỉnh Nghệ An bàn giao, trưng bày phục vụ nhân dân thăm quan.

Hà Nội cũng đang từng bước hoàn thiện chiếu sáng trang trí theo chủ đề các khu trung tâm, khu vực quảng trường và các công viên, vườn hoa; chiếu sáng trang trí tại các tuyến đường vành đai, trục chính, hướng tâm và chiếu sáng các công trình kiến trúc.

Hệ thống chiêu sáng công cộng được thường xuyên duy trì, đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng đạt trên 98%. UBND thành phố phối hợp cùng các đơn vị xã hội hóa như: Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Vietbiz Media thực hiện công tác trang trí chiếu sáng.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp khẩn trương thi công, hoàn trả mặt bằng, vệ sinh môi trường.

Theo số liệu thống kê của UBND thành phố, năm 2022 đã hoàn thành thi công hạ tầng, cắt dây, hạ cột 33 tuyến (nâng tổng số tuyến hoàn thành lên 208/255 tuyến được duyệt); Còn lại 45 tuyến chưa thi công: gồm 40 tuyến đã  hoàn thành công tác thiết kế, tuy nhiên đang phải phối hợp chờ hạ ngầm đồng bộ với điện lực; 5 tuyến xin tạm dừng đầu tư do trùng với dự án khác hoặc không đủ mặt bằng thi công; 2 tuyến đang thi công.

Năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục hoàn chỉnh Chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung chỉ đạo phát triển các khu vực mới của đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, bên vững đảm bảo hài hòa mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, tạo điều kiện, động lực thúc đẩy phát triển khu vực ngoại thành; hình thành những vùng chuyển tiếp, vành đai xanh giữa đô thị và nông thôn phù hợp với từng khu vực phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục