Hà Nội xử lý gần 2000 vụ vi phạm gian lận thương mại

17:11' - 13/06/2016
BNEWS Sau một năm ra quân, Hà Nội đã xử lý 1.975 vụ gian lận thương mại, trong đó đã khởi tố 20 vụ và 35 bị can. Tổng số tiền thu nộp ngân sách lên tới gần 87 tỷ đồng.
Hà Nội xử lý gần 2000 trường hợp gian lận thương mại trong thời gian vừa qua. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết việc thực hiện quy chế phối hợp giữa Công an Hà Nội và Sở Công Thương trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố vào chiều 13/6, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, Chu Xuân Kiên cho biết:

Sau khi triển khai quy chế phối hợp, công tác phối hợp điều tra, xử lý án hình sự giữa hai đơn vị đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều vụ việc do lực lượng quản lý thị trường bàn giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục được điều tra, xử lý hình sự.

Ngay sau khi triển khai quy chế phối hợp, hai đơn vị đã phối hợp kiểm tra, xử lý 1.975 vụ, tăng 595 vụ so với thời gian trước khi ký kết. Trong đó đã khởi tố 20 vụ và 35 bị can. Tổng số tiền thu nộp ngân sách lên tới gần 87 tỷ đồng.

Thống kê sau hơn một năm triển khai thực hiện quy chế phối hợp, hai đơn vị chủ động phát hiện những sai phạm để kịp thời thông báo đến các đơn vị nghiệp vụ có liên quan đến công tác đấu tranh, phòng ngừa.

Trên cơ sở thông tin, tài liệu được trao đổi, hai ngành đã xác định được những lĩnh vực nóng, địa bàn trọng điểm, từ đó xây dựng kế hoạch phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hai đơn vị phối hợp chặt chẽ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, điều tra các đối tượng cầm đầu, chủ mưu để triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu và vận chuyển, kinh doanh hàng hoá trái phép, các kho tàng, bến bãi...không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tồn tại trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng thừa nhận, dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên do biên chế lực lượng quản lý thị trường còn mỏng, kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực, lại phải duy trì liên tục quân số, phương tiện trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; việc thông báo các đối tượng bị xử lý vi phạm cho lực lượng công an còn hạn chế...dẫn tới tình trạng bỏ sót tội phạm.

Ngoài ra, do các đối tượng sử dụng ô tô để vận chuyển hàng hoá vi phạm có thể thay đổi tuyến, phương tiện và gắn biển kiểm soát giả nên việc báo cáo trước kế hoạch và lộ trình có thể gây khó khăn cho việc thực hiện quy chế và có thể làm lộ kế hoạch thực hiện. Đồng thời cơ chế thông thoáng trong kinh doanh xuất khẩu cũng tạo kẽ hở cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng...

Thời gian tới, để công tác phối hợp giữa hai đơn vị đạt hiệu quả cao hơn, hai bên sẽ thường xuyên trao đổi các thông tin liên quan đến các vụ việc xử lý vi phạm hành chính giữa hai cơ quan để công tác điều tra, xử lý tội phạm được nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chủ động phổ biến các văn bản liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tới các cơ quan, doanh nghiệp; tăng cường phối hợp công tác điều tra, khảo sát địa bàn, chủ động nắm tình hình, diễn biến của các loại tội phạm, các mặt hàng, lĩnh vực kinh tế trọng điểm...

Đồng thời, xây dựng phương án phối hợp tập trung đấu tranh nhằm triệt phá những tụ điểm, đường dây, ổ nhóm buôn lậu lớn.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục