Hải Dương phấn đấu có thêm 23 xã nông thôn mới kiểu mẫu

12:00' - 16/03/2024
BNEWS Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Phạm Thị Đào, năm 2024, tỉnh này phấn đấu có 27 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương Phạm Thị Đào, năm 2024, tỉnh này phấn đấu có 27 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của tỉnh là 91 xã, đạt tỷ lệ 51,12% và có thêm 23 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh là 32 xã, đạt tỷ lệ 17,98%.

 

Hải Dương cũng phấn đấu các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2010-2020 đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; 100% huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, thị xã, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Các huyện hướng tới xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao.

Để đạt được mục tiêu trên, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, tỉnh sẽ tập trung vào tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Hải Dương cũng sẽ xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; chỉ đạo các địa phương chủ động ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.

Hải Dương cũng thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn; thực hiện lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ các địa phương hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Để tăng cường nguồn lực xây dựng nông thôn mới, Hải Dương tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là bổ sung nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để ưu tiên hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP, hỗ trợ áp dụng công nghệ chế biến vừa và nhỏ trong nông nghiệp, môi trường và nước sạch nông thôn; khuyến khích cho vay ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội.

Tỉnh cũng kêu gọi, vận động các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hỗ trợ hỗ trợ các địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới và vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tăng cường kiểm tra,, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.

Đến hết năm 2023, Hải Dương đã có 178/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%, có thêm 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 64 xã. Có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lên 9 xã. Hải Dương đã được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương vừa phát hành ấn phẩm điện tử “Mô hình, sáng kiến hay trong xây dựng nông thôn mới năm 2023”; trong đó, Hải Dương có 8 mô hình, sáng kiến hay được giới thiệu. Các mô hình gồm, điển hình về việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; về văn hóa, thể thao, du lịch tại xã Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện). Mô hình hay trong xây dựng nông thôn mới tại xã Đức Chính (huyện Cẩm Giàng); cựu chiến binh huyện Nam Sách với phong trào xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế qua bảo tồn và phát huy nghề làm tò he ở làng Hoàng Giáp xưa (nay là thôn Hoàng Dương, xã An Lâm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục