Hải Phòng tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình khác

17:30' - 04/10/2022
BNEWS Chín tháng của năm 2022, thành phố Hải Phòng giải ngân vốn đầu tư công 9.049 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch thành phố giao, bằng 71,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố.

Dự kiến đến ngày 31/1/2023, thành phố Hải Phòng sẽ giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao.

 

Cụ thể, năm 2022, thành phố Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn là 12.720,72 tỷ đồng.

Căn cứ vào tình hình thu ngân sách trên địa bàn thành phố, Hội đồng Nhân dân thành phố đã giao kế hoạch vốn đầu tư công là 18.103,691 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương là 1.288,152 tỷ đồng và ngân sách thành phố là 16.815,539 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất là 50% so với Đà Nẵng 43%, Cần Thơ 34%, Hà Nội 34%, Tp,. Hồ Chí Minh 20%. So với 11 tỉnh Đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng giải ngân đứng thứ 5, sau Ninh Bình 63%, Hải Dương 54%, Nam Định 51%, Quảng Ninh 50%.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, phát huy kinh nghiệm trong giải ngân vốn đầu tư công những năm qua, năm 2022, thành phố Hải Phòng chỉ tập trung thực hiện từ 7 đến 10 dự án trọng tâm, trọng điểm.

Ngay từ đầu năm, lãnh đạo UBND thành phố đã chủ trì nhiều cuộc họp, triển khai đồng bộ các giải pháp, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và đặc biệt chú trọng đến giải phóng mặt bằng. Cụ thể là ưu tiên bố trí vốn thực hiện dự án theo nguyên tắc bố trí 100% chi phí giải phóng mặt bằng và 80% chi phí xây lắp.

Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Hải Phòng đã xây dựng 7 huyện nông thôn mới (trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận 4 huyện nông thôn mới cho thành phố; 1 huyện đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt (huyện Tiên Lãng), với 2 huyện còn lại, thành phố dự kiến sẽ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong tháng 10/2022.

Đối với tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, Hải Phòng tập trung đầu tư hạ tầng theo hướng tiếp cận đô thị, dự kiến bố trí 125 tỷ đồng cho 1 xã. Theo đó, dự kiến đến năm 2025, Hải Phòng sẽ có 137 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cụ thể, 8 xã đã hoàn thành tiêu chí, đạt tỷ lệ 6%; 22 xã sẽ hoàn thành trong năm 2022, đạt tỷ lệ 22% và 35 xã sẽ hoàn thành trong năm 2023, đạt tỷ lệ 41%.

Cùng với đó, Hải Phòng đã rất nỗ lực trong việc triển khai xây dựng và giải ngân Chương trình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo. Điển hình trong cải tạo, sửa chữa nhà, hộ nghèo sẽ được thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng và được cho vay 35 triệu đồng từ ngân hàng chính sách; hộ cận nghèo sẽ được thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng và được cho vay 30 triệu đồng không lãi suất trong 15 năm.

Đặc biệt gần đây, UBND thành phố Hải Phòng đã quyết định hỗ trợ khoảng 8.000 hộ nghèo và khó thoát nghèo, chú trọng đến các trường hợp người cao tuổi, bệnh tật với tổng mức hỗ trợ tương ứng là 200 tỷ đồng/năm.

Cụ thể, các hộ ở thành phố sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người; các hộ ở nông thôn sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ người. Vì vậy, hiện nay thành phố chỉ còn 1,4% hộ nghèo. Dự kiến đến hết năm 2022, thành phố Hải Phòng không còn hộ nghèo.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hải Phòng triển khai hai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hải Phòng là địa phương tự chủ nguồn kinh phí triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia và cách thức thực hiện cũng có nhiều điểm khác biệt so với nhiều địa phương khác.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình khác, thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành sớm phê duyệt Quy hoạch chung của thành phố Hải Phòng, làm cơ sở để triển khai thực hiện các Dự án đầu tư công của thành phố, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; xem xét, quyết định công nhận huyện Tiên Lãng là huyện nông thôn mới; tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong giải ngân kế hoạch vốn ODA cấp phát và vốn ODA vay lại.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục