Hai phương án sửa đổi quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần

18:56' - 02/11/2023
BNEWS Chiều 2/11, tại tổ thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều đại biểu cho ý kiến về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo luật đề xuất 2 phương án. Trong đó, phương án 1 quy định việc hưởng một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm 1, đối với người lao động đã tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng có nhu cầu thì được nhận một lần.

Nhóm 2, đối với người lao động bắt đầu tham gia từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) thì không được nhận một lần. Chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm, phức tạp nên Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội đối với 2 phương án nêu trên.

Cho ý kiến về bảo hiểm xã hội một lần, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ và báo cáo tổng kết thi hành luật cũng chỉ rõ, sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần còn cao, tổng số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là khoảng 4,5 triệu lượt người. Trong đó, có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016-2022.

Như vậy, trong giai đoạn này, ước khoảng 3,5 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần và rời bỏ hoàn toàn hệ thống bảo hiểm xã hội (đến thời điểm hiện tại), chiếm hơn 70% số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, về cơ bản, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần năm sau cao hơn năm trước (mức tăng bình quân 6,5%/năm).

"Như vậy, đặt ra yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần" - đại biểu nhấn mạnh.

 

Đại biểu Đặng Bích Ngọc thống nhất với phương án 1 của dự thảo Luật, trong đó quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với trường hợp “Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm”.

Lý do là bởi dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động khi bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như: chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng hưu; hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội…

Đồng thời, đại biểu cho rằng, quy định như trên để tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân của việc rút bảo hiểm xã hội một lần, từ đó hoàn thiện các chính sách có liên quan theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của người lao động tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của bảo hiểm xã hội.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần là một nội dung luôn được thảo luận, tranh luận khá gay gắt vì xung đột lợi ích: người đã đóng bảo hiểm xã hội mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình. Nhà nước thì lại muốn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho gia đình họ, cho xã hội. Mong muốn của cả 2 bên đều rất chính đáng.

Trong thực tế, tiền đóng bảo hiểm xã hội là để dưỡng già và gắn với bảo hiểm y tế, vốn được chi trả như nhau không phụ thuộc vào số năm đóng cũng như mức hưởng bảo hiểm xã hội. Mà với mục tiêu mở rộng, dần hướng tới bao phủ trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế thì cuối cùng những người rút bảo hiểm xã hội hưởng 1 lần sẽ vẫn được Nhà nước đảm bảo.

Cũng không có cơ sở lo lắng về trượt giá, vì thực tiễn cho thấy, mỗi khi cải cách tiền lương, nâng mức lương tối thiểu, Nhà nước luôn điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở.

Để đảm bảo lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân, đại biểu đề nghị, các quy định để tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như trong Dự án Luật là rất cần thiết và hợp lý, nhân văn như: Giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm hay hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục