Hàn Quốc đối phó ra sao với sự bùng phát dịch COVID-19?

06:30' - 27/02/2020
BNEWS Tình hình dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể khi xuất hiện tín đồ "siêu truyền nhiễm" ở Deagu và Hàn Quốc đã trở thành nơi có dịch bệnh hoành hành mạnh nhất chỉ sau Trung Quốc.
Máy quét thân nhiệt được lắp đặt tại khu nhà Chính phủ ở Sejong, Hàn Quốc ngày 24/2/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Thời báo Hàn Quốc đăng bài viết, trong đó chuyên gia về virus học người Mỹ, Tiến sĩ Hakim Djaballah, đã gọi sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 tại thành phố Daegu, Hàn Quốc là trường hợp "lây truyền trong cộng đồng", khiến tỷ lệ và nguy cơ lây nhiễm lớn hơn. Đó là do các thành viên trong cộng đồng ăn, uống và sống gần gũi.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) công bố số liệu cập nhật cho biết với 284 ca nhiễm mới trong ngày 26/2, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm trường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã lên tới 1.261 người. Theo đó, ngày 26/2 là ngày có nhiều ca nhiễm nhất kể từ thời điểm phát hiện 51 người nhiễm một tuần trước đây. Như vậy, tính đến thời điểm này, Hàn Quốc là quốc gia ghi nhận số ca lây nhiễm SARS-CoV2 lớn nhất ngoài Trung Quốc.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun tuyên bố sẽ huy động tất cả các nguồn lực sẵn có để ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh tại thành phố Daegu và tỉnh lân cận. Ông cho biết Chính phủ đang nỗ lực hết sức để thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm dịch ở Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, nơi số ca nhiễm SARS-CoV-2 gia tăng mạnh trong những ngày gần đây.  

Chuyên gia Hakim Djaballah khẳng định đây là một cuộc chạy đua với thời gian. Ông Djaballah, người đã có nhiều nhận định về Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) năm 2015 ở Hàn Quốc, cho rằng Chính phủ Hàn Quốc không thể đóng cửa nhà thờ của giáo phái Shincheonji hoặc các nhà thờ khác vì nếu làm như vậy có nguy cơ bị cáo buộc đàn áp tự do tôn giáo, một nguyên lý dân chủ cơ bản.

Theo ông, nếu xảy ra hoảng loạn, người dân Daegu có thể rời đi bằng tàu hỏa và đó sẽ là một thảm họa. Ông cho rằng trong trường hợp xấu nhất, "Daegu có thể là một Vũ Hán ở Hàn Quốc". Tại tâm dịch Vũ Hán đã có hàng chục ngàn người nhiễm COVID-19 và hơn 2.000 ca tử vong. Thành phố này đã bị phong tỏa hoàn toàn, một việc làm chỉ có thể thực hiện được ở Trung Quốc chứ không thể thực hiện được ở như Hàn Quốc.

Vì vậy, ông Djaballah đã nêu khả năng xảy ra "cơn bão dịch" nếu hàng chục ngàn sinh viên Trung Quốc trở lại Hàn Quốc vào tháng Ba tới để bước vào năm học mới. Ông nói: "Các trường học có nguy cơ lây nhiễm rất cao giống các nhà thờ. Vài ngày tới là thời điểm rất quan trọng để hiểu rõ hơn về tình hình. Chúng ta nên chuẩn bị đối phó với tình huống tồi tệ hơn MERS".

Khi số các ca nhiễm COVID-19 gia tăng chóng mặt và xuất hiện những ca tử vong đầu tiên trên đất Hàn Quốc, liệu sự chuẩn bị và phản ứng của Chính phủ có đủ mạnh để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh hay không? Tình trạng những ngày gần đây dường như cho thấy một sự sai sót trong quá trình phòng chống dịch bệnh ở Hàn Quốc. Tình hình đã thay đổi đáng kể khi xuất hiện tín đồ "siêu truyền nhiễm" ở Deagu và Hàn Quốc đã trở thành nơi có dịch bệnh hoành hành mạnh nhất chỉ sau Trung Quốc.

Cho đến nay, phản ứng của Chính phủ Hàn Quốc là cân bằng khi không làm khó đối tác Trung Quốc, đồng thời kiểm soát và giảm số lượng du khách, những người cũng có thể mang COVID-19 tới, trong khi nỗ lực hồi hương công dân Hàn Quốc ở Vũ Hán và cách ly họ. Ông Djaballah đánh giá cao sự cảnh giác của Chính phủ Hàn Quốc tại các cửa khẩu chứ không cần giám sát khắp đất nước một cách tốn kém, đặc biệt là các vùng nông thôn.

Tuy nhiên, theo ông còn thiếu tính minh bạch trong cách cung cấp thông tin dịch bệnh thông qua Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC). Nhiều người muốn biết số công dân Hàn Quốc và du khách vào nước này hàng ngày và số lượng này tương quan như thế nào với các ca đã được xác nhận và vị trí địa lý của họ.

Chuyên gia này đặt câu hỏi: Dịch COVID-19 từ nước khác xâm nhập hay nó đã ở trong Hàn Quốc; và những gì ông đang thấy đó là sự khởi đầu của một vấn đề lớn hơn. Đó là "sự lây nhiễm bên trong Hàn Quốc qua các hoạt động cộng đồng".

Nếu xu hướng này tiếp tục gia tăng trong vài tuần tới, thì Chính phủ Hàn Quốc phải đối mặt với một đại dịch với hậu quả tồi tệ hơn là dịch MERS bùng phát gần 5 năm trước. Lần này, Hàn Quốc có thể không may mắn như với dịch MERS.

Đóng cửa nhà thờ và những nơi thờ tự khác không phải là câu trả lời, bởi động thái này sẽ tạo ra sự kỳ thị không mong muốn đối với các tín đồ. Lý lẽ phản biện là tại sao Chính phủ Hàn Quốc không đóng cửa tất cả các địa điểm và không gian nơi mọi người có thể tập trung như sân bay, nhà ga, chợ, rạp chiếu phim.... Chính phủ Hàn Quốc phải thận trọng để tránh sự kỳ thị và dễ bị tổn thương trong dân chúng.

Qua các trường hợp tử vong ở Trung Quốc cho đến nay, xu hướng phổ biến là hầu hết các trường hợp tử vong là ở người cao tuổi dễ bị lây nhiễm và có thể có tiền sử viêm phổi. Cũng cần lưu ý rằng không có nhiều trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh hay tử vong. Lý do có lẽ là vì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường không bị nhiễm vi khuẩn gây viêm phổi và do đó dường như không bị ảnh hưởng. Những đứa trẻ này có thể vẫn mang virus SARS-CoV2  chủng mới trong một thời gian dài.

Đối với 70.000 sinh viên Trung Quốc trở lại Hàn Quốc, điều gây sốc là Chính phủ Hàn Quốc để cho các trường đại học tự quyết định phải làm gì với các sinh viên của họ. Đây là một chính sách gây lo ngại của Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in và là yếu tố làm lây lan dịch bệnh rộng hơn nữa, và thậm chí có thể dẫn đến các ổ dịch mới trong nước.

Lệnh cấm đi lại hoàn toàn bằng đường hàng không hoặc đường biển sẽ là lựa chọn tốt nhất cho Hàn Quốc, nhưng thật không may, quyết định này bị tác động bởi chính sách ngoại giao láng giềng của Hàn Quốc. Ông Djaballah tỏ ý hoài nghi rằng Chính quyền Hàn Quốc đang nhận được "sự trấn an" từ Trung Quốc rằng họ đang làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục