Hàn Quốc hướng tới tương lai trở thành "nền kinh tế hydro"

05:30' - 10/08/2023
BNEWS Năm 2019, Chính phủ Hàn Quốc công bố lộ trình năng lượng mới cho "nền kinh tế hydro". Lộ trình này cũng là một phần trong kế hoạch nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

 

Năm 2019, Chính phủ Hàn Quốc công bố lộ trình năng lượng mới cho "nền kinh tế hydro" của đất nước, được thiết kế để hỗ trợ các công ty Hàn Quốc đảm bảo vị trí dẫn đầu vững chắc trong ngành công nghiệp pin nhiên liệu hydro toàn cầu. Lộ trình này cũng là một phần trong kế hoạch lớn của Hàn Quốc nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, Giám đốc điều hành Hylium Industries, công ty chuyên phát triển xe tải chở dầu, trạm tiếp nhiên liệu và bể chứa hydro hóa lỏng, ông Kim Seo-young nhận định rằng, hydrogen sẽ trở thành nhiên liệu chủ đạo cho các phương tiện hạng nặng và máy bay trong tương lai.

Hàn Quốc cũng đã đặt mục tiêu vận hành hơn 28 trạm sạc hydro cho xe điện chạy hoàn toàn bằng pin (FCEV) vào cuối năm 2022 nhưng kế hoạch lớn của Chính phủ đã phải đối mặt với nỗi sợ hãi của công chúng về vụ nổ hydro. Một bồn chứa hydro đã phát nổ tại một tổ hợp nghiên cứu công nghệ ở thành phố cảng Gangneung vào năm 2019, khiến một người thiệt mạng và 5 người bị thương. Vụ tai nạn đã làm dấy lên nỗi sợ hãi của công chúng đối với các cơ sở hydro và kế hoạch lắp đặt các trạm sạc nhiên liệu hydro ở khu vực thành thị và đông dân cư đã tạm thời bị trì hoãn, hủy bỏ.

Trước đó, chính quyền thành phố Seoul dự định xây dựng ít nhất 48 trạm hydro cho tới năm 2025, tuy nhiên tính đến tháng 3/2023 chỉ có tám trạm hoạt động. Theo dữ liệu do Seoul công bố, đã có 2.860 xe điện chạy bằng pin được đăng ký tính đến tháng 10/2022.

Ông Kim Seo-young cho biết, trên thực tế, việc xử lý hydro không khác nhiều so với việc xử lý khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), được sử dụng rộng rãi ở Hàn Quốc, trong đó hệ thống hậu cần cho quá trình xử lý cũng rất giống nhau. Tuy nhiên, người dân còn e ngại do từng nghe về bom nhiệt hạch và một số vụ tai nạn khí cầu đã xảy ra khoảng 100 năm trước.

Thông thường hydro được lưu trữ và vận chuyển ở ba trạng thái khác nhau bao gồm hydro nén, hydro lỏng và hydro được lưu trữ hóa học trong các hợp chất khác như amoniac hoặc hydrat kim loại. Khí hydro nén là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất nhưng mật độ năng lượng thấp hơn các trạng thái khác nên kém hiệu quả hơn trong trường hợp hydro cần được vận chuyển đến các khu vực khác. Ngược lại, hydro lỏng có mật độ năng lượng cao, khiến nó trở nên lý tưởng cho việc vận chuyển đường dài và không cần thêm phương tiện để phá vỡ các hợp chất hóa học.

Nhu cầu về nhiên liệu thay thế tăng cao trong lĩnh vực vận tải biển toàn cầu sau khi Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia có biển tăng tốc nỗ lực để đạt được lượng khí thải vận chuyển bằng không. Hiện tại, Liên hợp quốc đã ban hành các hướng dẫn mạnh mẽ về phát thải carbon, để đạt được lượng carbon bằng không vào năm 2050.

Để đáp ứng nhu cầu của xu hướng hàng hải toàn cầu, Hylium đã ký một biên bản ghi nhớ với HD Korea Shipbuilding & Offshore Engineering (KSOE), công ty cổ phần của tập đoàn đóng tàu HD Hyundai, vào đầu năm 2023 để cùng phát triển các tàu chở hydro lỏng vào năm 2030 trong đó Hylium sẽ cung cấp bí quyết công nghệ cách nhiệt cho bể chứa của công ty để giảm thiểu hiện tượng sôi.

Hylium cũng đang hợp tác với tỉnh Gangwon để phát triển các gói năng lượng cho các thuyền hoa tiêu chạy bằng hydro cho các hoạt động ven biển. Giám đốc Kim cho biết thêm: "Hydro lỏng làm nhiên liệu cũng sẽ rất hiệu quả đối với các tàu đánh cá vì chúng không cần thêm vật liệu làm mát. Hydro lỏng cần được chuyển thành trạng thái khí trước khi được bơm vào pin nhiên liệu và năng lượng lạnh của hydro lỏng có thể được sử dụng để đóng băng hoặc làm mát sản phẩm đánh bắt ven biển".

Ông Kim Seo-young cho hay, Hylium sẽ bắt đầu bằng cách tập trung vào việc phân phối các trạm sạc hydro nén đồng thời đẩy nhanh việc áp dụng các trạm hydro lỏng. Ông cho biết: "Mặc dù chúng tôi phát triển các bể chứa hydro cho các phương tiện hạng nặng, tàu và máy bay, nhưng chúng tôi cũng đặt mục tiêu trở thành một công ty quan trọng trong lĩnh vực phân phối hydro toàn cầu".

Giám đốc Kim cho rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi người Hàn Quốc hiểu hydro như một loại nhiên liệu thông thường. Theo ông Kim, sẽ mất thời gian để người dân có thể quen với nhiên liệu hydro. Taxi ở Hàn Quốc hoạt động bằng nhiên liệu LPG và dường như không ai lo lắng khi lên taxi. Tại Hàn Quốc đang có khoảng 260.000 xe taxi đang hoạt động và hơn 90% trong số đó chạy bằng LPG.

Giám đốc điều hành của Hylium dự đoán rằng mục tiêu sử dụng hydro trên toàn thế giới sẽ đạt được vào khoảng năm 2060. Theo ông Kim, đã khoảng 100 năm kể từ khi con người bắt đầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch để vận chuyển. Và hiện tại là thời điểm để thế giới tiến hành quá trình chuyển đổi năng lượng, vì vậy phải mất một thời gian rất lâu nữa để một dạng năng lượng mới được chấp nhận./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục