Hàng không Nhật Bản chật vật ứng phó với tình trạng thiếu nhiên liệu

13:27' - 22/10/2024
BNEWS Tình trạng này có thể sẽ ngày càng trầm trọng hơn khi bước vào cao điểm du lịch mùa Thu và mùa Đông ở quốc gia Đông Bắc Á này.

Từ giữa năm 2024, ngành hàng không Nhật Bản đã chật vật trước tình trạng thiếu nhiên liệu để vận hành các chuyến bay. Tình trạng này có thể sẽ ngày càng trầm trọng hơn khi bước vào cao điểm du lịch mùa Thu và mùa Đông ở quốc gia Đông Bắc Á này. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu điều chỉnh năng lực sản xuất và sự thiếu đồng bộ trong vận hành logistics.

 
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, thống kê của cơ quan quản lý sân bay quốc tế Narita cho thấy, thời điểm tháng 6/2024, trung bình có khoảng 60 chuyến bay mỗi tuần tại sân bay này bị hoãn hoặc hủy vì nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đa số là do thiếu nhiên liệu. Thời điểm đó, ông Takao Yokose, Giám đốc bộ phận cung cấp nhiên liệu của sân bay Narita đã cảnh báo “có thể chúng ta sẽ phải duy trì cầm chừng nhiên liệu cho nhiều chuyến bay”.

Tình trạng này thậm chí còn ảnh hưởng đến kế hoạch mở các chuyến bay quốc tế mới hoặc giảm bớt tần suất chuyến bay định kỳ trong cao điểm du lịch mùa Đông đến Nhật Bản. Ví dụ, Hãng hàng không Qantas của Australia (Ô-xtrây-li-a) đã quyết định không khai thác chuyến bay định kỳ mùa Đông 2024 giữa thành phố Sydney và thành phố Chitose, Hokkaido. Các hãng hàng không khác của Hàn Quốc như Korean Air và T'way Air cũng đã buộc phải hủy các chuyến bay định kỳ đến sân bay Obihiro, Hokkaido dự kiến vào tháng 7-8 vừa qua.

Theo Giáo sư Masatoshi Kojima từ Đại học Momoyama Gakuin, nguyên nhân không đến từ tình trạng khan hiếm nhiên liệu của thị trường dầu toàn cầu mà hoàn toàn là vấn đề của ngành sản xuất nhiên liệu trong nước. Trong bối cảnh dân số giảm và xu hướng chuyển đổi sang năng lượng sạch ngày càng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất dầu Nhật Bản đã giảm dần năng lực tinh chế dầu thô dựa trên giả định rằng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm. Số lượng nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản tính đến cuối tháng 7/2024 đã giảm xuống còn 19 cơ sở, tức là chỉ tương đương khoảng một nửa so với con số 36 vào cuối năm tài chính 2000. Phó chủ tịch ENEOS Holdings Soichiro Tanaka tại cuộc họp báo ngày 9/8 đã cho biết: “Khi nhu cầu xăng dầu trong nước giảm dân, chúng tối buộc phải điều chỉnh năng lực sản xuất hiện đang có dấu hiệu vượt nhu cầu thực tế”.

Trong khi đó, nhiên liệu máy bay chỉ là một phần của quá trình tinh chế dầu thô và không thể sản xuất hàng loạt chỉ để phục vụ ngành hàng không. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, nhu cầu trung bình hàng năm về xăng sẽ giảm 2,6% trong giai đoạn 2023-2028 nhưng nhu cầu nhiên liệu hàng không chỉ giảm khoảng 0,3%. Nếu nguồn cung xăng được điều chỉnh, dễ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhiên liệu hàng không.

Một nguyên nhân khác là tình trạng bất cập của ngành vận chuyển trong nước. Theo ông Masaya Okuda, Giám đốc điều hành Liên đoàn Dầu khí Nhật Bản, trong quá trình tập trung xoanh quanh ba “ông lớn” là ENEOS, COSMO, IDEMITSU, ngành sản xuất dầu đã tiến hành chuyên môn hóa và hệ thống hóa logistics, bao gồm cả vận tải đường biển nội địa. Điều này đã dẫn đến sự giảm sút khả năng vận chuyển, nhất là thiếu hụt đội ngũ tàu vận tải linh hoạt để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng đột biến.

Ông Toshinobu Kawamura, Chủ tịch Liên hiệp các hiệp hội vận tải đường biển nội địa Nhật Bản cho biết, trong 10 năm qua, ngay cả khi nhiều doanh nghiệp muốn đóng mới tàu vận tải nội địa nhưng ngày càng nhiều trường hợp bị phản đối từ các “ông lớn” của ngành xăng dầu, khiến cho năng lực dự trữ vận chuyển đã dần biến mất.

Bên cạnh đó, quy định mới về quản lý thời gian lao động cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình vận hành chuỗi logistics. Từ tháng 4/2022, quy định về thời gian làm việc của các thuyền viên trở nên nghiêm ngặt hơn khiến việc vận hành các chuyến vận tải nhiên liệu cũng như bốc dỡ hàng hóa gặp khó khăn hơn. Tình trạng này cùng với khó khăn trong công tác tuyển dụng lái xe mới càng làm khiến cho tình trạng thiếu nhiên liệu tại các sân bay trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, vào tháng Bảy vừa qua, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch đã phối hợp giới thiệu kế hoạch hành động đối phó với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu hàng không. Trong đó yêu cầu các hãng hàng không thông báo trước về lượng nhu cầu sử dụng nhiên liệu đến các công ty sản xuất dầu trong cả ngắn, trung và dài hạn, cũng như thúc đẩy các giải pháp đảm bảo nhân lực cho toàn bộ chuỗi cung ứng, bao gồm cả lái xe bồn và nhân viên tiếp nhiên liệu.

Tuy nhiên, trong khi các giải pháp vẫn cần có thời gian để phát huy hiệu quả thì tình trạng thiếu nhiên liệu ở các sân bay Nhật Bản có thể vẫn sẽ vẫn tiếp diễn ở cao điểm du lịch mùa Thu và mùa Đông tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục