Hàng nghìn hộ dân ngoài đê ở Nghệ An vẫn bị ngập nước

15:28' - 14/10/2017
BNEWS Mực nước sông Lam ở Nghệ An đang giảm dần nhưng hàng nghìn hộ dân ngoài đê của các xóm thuộc các xã Hưng Lam, Hưng Nhân và Hưng Lợi thuộc huyện Hưng Nguyên vẫn bị ngập nước.
Cầu trên đường nối đường N5 vào xã Trù Sơn, Đô Lương (Nghệ An) bị nước chia cắt, ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân (ảnh chụp sáng 10/10/2017). Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Đến sáng 14/10, mực nước sông Lam ở Nghệ An đã giảm dần, tuy nhiên hàng nghìn hộ dân ngoài đê của các xóm thuộc các xã Hưng Lam, Hưng Nhân và Hưng Lợi thuộc huyện Hưng Nguyên vẫn bị ngập nước. Cuộc sống của người dân nơi đây đang gặp nhiều khó khăn.

Gia đình bà Trần Thị Xuân, xóm 9, xã Hưng Lam huyện Hưng Nguyên đã gắn bó với sông nước hàng chục năm nay, từ khi sinh ra, lớn lên cho đến nghề mưu sinh của gia đình hiện nay cũng đều phụ thuộc vào sông nước.

Do ở ngoài đê sông Lam nên mỗi khi lũ về, mực nước dâng cao rất nhanh khiến không ít lần gia đình bà trở tay không kịp.

Trận lũ này cũng vậy, nước dâng nhanh quá bất ngờ khiến cho gia đình bà Trần Thị Xuân bị cuốn trôi đi không ít tài sản của gia đình. Hiện nay, bà Xuân cùng gia đình phải dùng phương tiện là thuyền mới có thể vào được trong nhà.

“Gia đình tôi ở đây đã hàng chục năm rồi, mỗi lần lũ lụt là rất khổ cực. Nước lũ lên nhanh, đặc biệt là vào ban đêm nếu không cảnh giác sẽ bị nước lũ cuốn đi ngay. Đồ đạc thì có lúc cũng không kịp di chuyển lên trên đê được" Bà Trần Thị Xuân chia sẻ.

Cùng chung cảnh ngộ với bà Xuân là gia đình ông Cao Xuân Trí, xóm 6, xã Hưng Lam. Căn nhà hai tầng được xây dựng khá kiên cố của gia đình anh bây giờ nước lũ đã ngập gần hết tầng 1.

Hiện nay, mọi sinh hoạt của gia đình ông Trí với 5 con người đều tập trung ở tầng 2 với ngổn ngang đồ đạc.

“Nước lũ đổ về nhanh quá, chiều mùng 9/10 mực nước đang ở mức thấp nhưng đến tối nước lũ đã đổ về khiến mực nước sông Lam dâng lên cao một cách khủng khiếp.

Do quá bất ngờ nên nhiều tài sản, đồ đạc của gia đình cũng đã bị hư hại và bị lũ cuốn đi. Hiện, mọi sinh hoạt của gia đình đang gặp nhiều khó khăn, đảo lộn”, ông Cao Xuân Trí cho biết.

Hưng Lam là xã vùng sâu trũng của huyện Hưng Nguyên với 3/10 xóm (khoảng 275 hộ dân, gần 600 nhân khẩu) sinh sống khu vực ngoài đê Tả Lam vẫn bị ngập nước.

Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt cá trên sông nên mỗi khi lũ về gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Duyệt, Chủ tịch UBND xã Hưng Lam cho biết: “Hiện nay, có 3 xóm 6,7,9 của xã Hưng Lam cho đến thời điểm hiện tại vẫn ngập sâu trong nước.

Nguyên nhân là do ba xóm này chỉ có duy nhất một con đường độc đạo là đi qua cầu tràn 27, nên khi nước tràn về họ bị cô lập giữa sông nước”.

Ông Duyệt cũng cho biết thêm, trước khi lũ về, Ban chỉ huy phòng chống bão lụt của xã đã có phương án cho người già, trẻ em sơ tán nên trong đợt lũ vừa qua không có thiệt hại về người.

Tuy nhiên, 5ha diện tích rau màu vùng bãi bị hỏng hoàn toàn, diện tích đất sản xuất nông nghiệp cạnh sông Lam cũng bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo nhận định, một trong hai ngày tới nước sẽ rút, nên chính quyền xã Hưng Lam đã lên phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện ra quân dọn vệ sinh môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt, kiểm tra các khu vực đất đai sạt lở nhằm ổn định cuộc sống cho người dân sau khi nước rút.

Hiện tại, trên địa bàn Nghệ An không còn mưa, nhưng nước từ thượng nguồn vẫn tiếp tục đổ về.

Đến sáng ngày 14/10 một số địa phương của huyện Hưng Nguyên, Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳnh Lưu vẫn bị ngập nước. Có 6 điểm trường học ở khu vực ngoài đê Tả Lam, huyện Hưng Nguyên, bị ngập sâu, phải cho học sinh nghỉ học.

Theo nhận định, chiều ngày 14/10 nếu không có mưa lớn, nước lũ trên các sống sẽ giảm dần.

Đến thời điểm hiện nay, tại Nghệ An, áp thấp nhiệt đới đã làm 9 người chết và mất tích. Mưa lũ cũng đã làm thiệt hại 207,5 ha cây trồng lâu năm và 296,85ha cây ăn quả; hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị chết.

Tỉnh Nghệ An đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho nhân dân biết; sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư ở bãi sông, khu vực thấp trũng, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét để sẵn sàng triển khai ứng phó./.

Xem thêm:

>>>Bảo vệ an toàn các hồ đập trước nguy cơ mưa lớn, lũ quét

>>>Lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Nghệ An đang xuống

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục