Hàng nghìn người đình công tại Pháp yêu cầu tăng lương

11:36' - 19/10/2022
BNEWS Ngày 18/10, hàng nghìn người đã tham gia các cuộc đình công trên khắp nước Pháp yêu cầu tăng lương trong bối cảnh lạm phát leo thang.

Cuộc đình công này khiến tình hình tại Pháp thêm trầm trọng khi hoạt động đình công của các công nhân ngành dầu khí đã khiến nguồn cung nhiên liệu bị đình trệ, gây khó khăn cho hàng triệu người sử dụng các phương tiện cá nhân.

 

Bộ Nội vụ Pháp xác nhận khoảng 107.000 người đã tham gia các cuộc tuần hành trên cả nước, trong đó có 13.000 người tại Paris. Con số này thấp hơn so với con số 70.000 người theo thông báo ban đầu của nghiệp đoàn CGT.

Một số người biểu tình quá khích đã phun sơn và đập phá cửa kính tại một ngân hàng và một đại lý ô tô BMW ở thủ đô Paris trước khi bị cảnh sát chống bạo động giải tán.

15 người đã bị bắt giữ do có các hành động quá khích, trong khi 9 nhân viên an ninh bị thương trong các cuộc đụng độ với những người biểu tình.

Các cuộc đình công tuy không gây gián đoạn hoạt động giao thông vận tải nghiêm trọng như dự báo, song các nghiệp đoàn tuyên bố sẽ tiếp tục có thêm nhiều động thái gây sức ép tương tự trong những tuần tới, đặc biệt liên quan một cuộc cải cách lương hưu đang gây tranh cãi.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cho biết hiện còn chưa đến 25% trạm xăng trên cả nước thiếu nguồn cung, giảm so với mức 30% trước đó. Chính phủ Pháp đã sử dụng các quyền hạn khẩn cấp để yêu cầu một số công nhân trở lại làm việc tại các kho chứa nhiên liệu. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin thừa nhận hiện có "vấn đề về tiền lương" tại nước này, đồng thời hối thúc các công ty tăng lương cho người lao động khi có thể.

Đình công trên diện rộng diễn ra sau khi các công nhân tại một số nhà máy lọc dầu và các kho chứa dầu của tập đoàn năng lượng TotalEnergies nhất trí mở rộng đình công.

Cuộc đình công đã bước sang tuần thứ 3, gây gián đoạn nghiêm trọng hoạt động phân phối nhiêu liệu trên toàn quốc, đặc biệt tại miền Bắc, miền Trung nước Pháp và khu vực Paris.

Trong khi đó, các công nhân trong ngành năng lượng hạt nhân cũng đang tiến hành đình công, đe dọa cản trở công việc bảo dưỡng, bảo trì để khởi động các lò phản ứng.

Ngày 18/10, nhà vận hành hệ thống truyền tải điện RTE cảnh báo việc mở rộng đình công tại các nhà máy điện hạt nhân cũng sẽ gây "những hậu quả nghiêm trọng" đối với việc cung cấp điện trong mùa Đông này.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết chỉ có 30/56 lò phản ứng hạt nhân ở nước này đang hoạt động, trong khi chính phủ hy vọng sẽ có tổng cộng 45 lò phản ứng được vận hành vào tháng 1/2023.

Tuy nhiên, nhà cung cấp năng lượng EDF cho biết công ty này hoãn kế hoạch vận hành trở lại 5 lò phản ứng đang tạm dừng hoạt động.

Tại Bỉ, sân bay South Charleroi ở thủ đô Brussels ngày 18/10 đã quyết định đóng cửa và hủy tất cả các chuyến bay khởi hành từ sân bay lớn thứ 2 của Bỉ này cho đến ngày 19/10 do các nhân viên an ninh hợp đồng đình công.

Đại diện một số nghiệp đoàn cho biết 5 nhân viên an ninh đã bị thương trong ngày 18/10 sau khi hành khách gây sức ép phải cho họ qua cửa nhập cảnh.

Các nhân viên của công ty an ninh Security Master đã tiến hành đình công ngày 17/10 để phản đối tổ an ninh sân bay BCSA liên quan việc ký hợp đồng giám sát an ninh. Cuộc đình công đã gây gián đoạn hoạt động hàng không, khiến tất cả các chuyến bay khởi hành từ sân bay South Charleroi bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, các chuyến bay hạ cánh tại sân bay này không bị ảnh hưởng. Một số hãng hàng không đã quyết định điều hướng các chuyến bay sang sân bay Brussels Zaventem./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục