Hành động kịp thời để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn

14:26' - 27/11/2024
BNEWS Các ngành công nghiệp công nghệ cao; trong đó, có công nghiệp bán dẫn đang ngày càng có vai trò quan trọng và đang trở thành trụ cột kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu. Đây được coi là một trong những “cơ hội” để tiếp tục thu hút nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ; đặc biệt đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ cao, vi mạch điện tử tích hợp, chip...

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Các ngành công nghiệp công nghệ cao; trong đó, có công nghiệp bán dẫn đang ngày càng có vai trò quan trọng và đang trở thành trụ cột kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Các quốc gia đang cải cách để nhanh chóng trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn. Đến nay, Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này như: Cadence, Synosyps, Qorvo, Siemens, Marvell, ARM…

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc đua chip toàn cầu đang nóng lên và Việt Nam có cơ hội đặc biệt để khẳng định mình là một trong những nước tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là cơ hội mang tới tiềm năng tăng trưởng kinh tế - xã hội chưa từng có, nhưng thời gian là vấn đề cốt yếu.

“Cần có những hành động quyết liệt và kịp thời để phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn và tận dụng những cơ hội to lớn trước mắt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ cao, vi mạch điện tử tích hợp, chip... khi đầu tư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế, giúp Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội mở ra với ngành công nghiệp công nghệ cao.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Những doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao (theo Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg) khi đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thì không phải làm các thủ tục hành chính như thông thường, thay vào đó doanh nghiệp chỉ cần đăng ký đầu tư, trong 15 ngày cơ quan quản lý phải cấp đăng ký đầu tư.

“Chính sách thu hút đầu tư được thiết kế theo hướng chuyển đổi mạnh tư duy từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Doanh nghiệp khi đầu tư không phải làm các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy… Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần cam kết chấp hành các quy định (quy chuẩn, tiêu chuẩn) của Việt Nam là đáp ứng”, Bộ trưởng Dũng cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Luật này sửa đổi một số nội dung như: về lĩnh vực và hình thức hợp đồng đầu tư theo phương thức PPP khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. 

Cùng với đó, bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao bộ, ngành và địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.

Đánh giá cao việc bổ sung quy định này tại dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho hay, quy định về đầu tư đặc biệt là một bước đột phá, cải cách lớn trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm thu hút các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực công nghệ cao.

Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh (đoàn Đà Nẵng), việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong một số lĩnh vực như xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới và năng lượng sạch được xác định là chiến lược hết sức quan trọng để phát triển đất nước trong thời gian tới. Những nội dung này đã được quy định trong các nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù tại một số địa phương như: Tp. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và Đà Nẵng.

“Tôi đánh giá rất cao việc bổ sung quy định nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án. Quyết sách này sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, nhất là với các nhà đầu tư chiến lược”, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho hay.

Còn đại biểu Lưu Bá Mạc ( đoàn Lạng Sơn) đồng thuận cao với việc ban hành Luật, đại biểu cho rằng, ban hành luật là thực sự cần thiết, góp phần tháo gỡ, những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn, không chỉ cho các doanh nghiệp, mà còn cho các cơ quan, địa phương có dự án liên quan. Từ đó, góp phần phát huy hiệu quả của phương thức đối tác công tư; giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hoạt động đấu thầu.

Trong năm 2024, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao…, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp công nghệ cao toàn cầu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục